(TITC) - Cụm di tích Nà Nưa bao gồm các di tích: lán Nà Nưa, lán Cảnh vệ, lán Điện Đài, lán Đồng Minh và lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng.
Lán Nà Nưa
Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Bác Hồ soạn thảo.
Ngày 4/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa về Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên). Bác cử một số đồng chí ở lại Tân Trào để chỉ huy kháng chiến, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Giản, Hoàng Văn Thái, Trần Thị Minh Châu...
Lán Cảnh vệ
Để đảm bảo an toàn cho Bác, các đồng chí cảnh vệ đã dựng một căn lán nhỏ cách lán Nà Nưa khoảng 20m về phía đông, gọi là lán Cảnh vệ, án ngữ con đường mòn từ làng Tân Lập vào và từ Thái Nguyên sang; đồng thời đặt nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu vực Bác ở và làm việc.
Lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác và các cơ quan Trung ương tại Tân Trào được biên chế thành các tiểu đội, đóng ở làng Tân Lập. Trong đó, tiểu đội cận vệ đặc biệt gồm 8 người, có nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực, theo dõi người lạ mặt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng, đưa đón, dẫn đường cho các đại biểu về dự hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Trong thời gian ở và làm việc tại lán Cảnh vệ, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, với sự hi sinh và lòng dũng cảm, các đồng chí cảnh vệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Lán Đồng Minh
Theo thỏa thuận, ngày 16/07/1945, một nhóm quân Đồng Minh (tại Côn Minh – Trung Quốc) mang mật danh “Con nai” đã nhảy dù xuống Tân Trào. Các đồng chí cảnh vệ đã dựng một căn lán nhỏ cách lán Nà Nưa khoảng 60m cho những người lính Đồng Minh ở và làm việc. Tại đây, quân Đồng Minh đã cung cấp cho lực lượng Việt Minh một số vũ khí, đồng thời trực tiếp huấn luyện cho các chiến sĩ quân giải phóng sử dụng súng cối, cacbin, tiểu liên, lựu đạn... Lán Đồng Minh tại khu rừng Nà Nưa đã ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh, thể hiện sách lược mềm dẻo, linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại đa phương.
Lán Điện đài
Lán Điện đài là nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh. Sự có mặt của những người bạn Đồng Minh tại Tân Trào đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta nắm bắt những thông tin quan trọng về tình hình thế giới. Di tích này cho thấy khả năng đối ngoại tài tình của Bác Hồ, của Trung ương Đảng trong việc tranh thủ sự giúp đỡ của quân Đồng Minh, tiến hành khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Lán họp hội nghị cán bộ toàn quốc
Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng được tổ chức tại khu rừng Nà Nưa từ ngày 13 đến 15/8/1945. Hội nghị quyết định phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Để đảm bảo tổng khởi nghĩa thắng lợi, hội nghị đề ra 3 nguyên tắc: tập trung lực lượng vào những việc chính; thống nhất mọi phương diện, chính trị, hoạt động chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ thời cơ. Tại hội nghị, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã được thành lập và ra bản quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Cụm di tích Nà Nưa đã và đang trở thành điểm tham quan, về nguồn của mỗi người dân Việt Nam với mong muốn tìm hiểu về những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi in đậm bóng dáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già kính yêu của dân tộc.
Phạm Phương