(TITC) - Đầu năm 1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Hà Nội lên Phú Thọ, đến tháng 4/1947 thì chuyển tới thôn Đồng Đon ở và làm việc. Thời gian đầu, cán bộ, nhân viên của Nha ở nhờ các gia đình trong thôn. Việc xây dựng lán, trại phục vụ cơ quan được triển khai ngay sau đó. Địa điểm được chọn là hai quả đồi rộng với độ cao thoai thoải (gọi tắt là đồi A và đồi B), phía sau là núi Đền bao bọc. Xung quanh hai quả đồi có nhiều cây cổ thụ cùng hệ thống giao thông hào và các bộ phận phòng thủ, chiến đấu khi có chiến sự.
Để đảm bảo bí mật, Nha Công an Trung ương bấy giờ có tên gọi là “nhà ông cả Nhã” với khoảng 100 cán bộ, nhân viên. Tổ chức của Nha Công an bao gồm các bộ phận: Ty Chính trị, Ty Tình báo, Ty Tuyên huấn, Ty Trật tự – Tư pháp, bộ phận điện đài, thông tin, làm ảnh căn cước, nhà in Nội san “Rèn luyện” và khu hậu cần. Trong đó, Nội san “Rèn luyện” do đồng chí Lê Giản – Giám đốc Nha Công an Trung ương làm chủ nhiệm. Ngày 21/2/1948, nội san ra số đầu tiên với 14 bản, phát hành hàng tháng. Tháng 10/1950, nội san trở thành một trong những tài liệu nghiên cứu học tập và tranh đấu của Nha Công an Trung ương. Đây cũng chính là tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay.
Tháng 9/1949, tại thôn Đồng Đon, Nha Công an Trung ương đã tổ chức hội nghị điều tra toàn quốc lần thứ nhất, tập trung thảo luận hai vấn đề lớn là tổ chức bộ máy làm việc và kinh nghiệm điều tra nghiên cứu tình hình. Cuối năm 1949, Nha Công an Trung ương thành lập Đại đội vũ trang chiến đấu có tên gọi là “Đại đội độc lập” hay còn gọi là “Đại đội Hoàng Hữu Nam”, “Đại đội 123”. Đại đội được thành lập để phối hợp với các đơn vị vệ quốc đoàn bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ tại an toàn khu Việt Bắc.
Từ ngày 8 - 15/1/1950, trong bối cảnh cả nước bước sang giai đoạn tổng phản công, hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 đã được tổ chức tại Nha Công an Trung ương. Để chuẩn bị cho hội nghị, cán bộ của Nha Công an Trung ương đã xây dựng hội truờng lớn để làm nơi họp, đồng thời xây dựng thêm nhà cửa, lán trại làm nơi ăn nghỉ cho hàng trăm đại biểu về dự hội nghị. Nhân dịp này, ngày 15/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến hội nghị, góp ý kiến về công tác xây dựng, tổ chức bộ máy Công an nhân dân cũng như lề lối làm việc và quan hệ với nhân dân. Để động viên phong trào “Rèn cán, lập công”, Người đã tặng tấm ảnh chân dung của Người để làm giải thưởng thi đua cho những đơn vị lập được nhiều thành tích xuất sắc nhất.
Cuối tháng 5/1950, tại cánh đồng Lũng Cò, thôn Đồng Đon đã diễn ra lễ sáp nhập một bộ phận tình báo quân đội vào Nha Công an và thành lập Ty Tình báo do đồng chí Trần Hiệu làm Trưởng Ty. Để đảm bảo bí mật, buổi lễ này được gọi là “Đám cưới của anh cả Nhã và cô Tý béo”. Từ đây, Ty Tình báo chính thức trở thành một bộ phận của Nha Công an Trung ương.
Đến tháng 9/1950, để đảm bảo nguyên tắc an toàn, bí mật, Nha Công an Trung ương đã chuyển đến ở và làm việc tại địa điểm mới thuộc xã Yên Nguyên và xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Những năm tháng ở, làm việc tại Đồng Đon, cán bộ và nhân viên Nha Công an Trung ương bằng những chiến công thầm lặng của mình đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng quân dân cả nước vượt mọi khó khăn, gian khổ giành độc lập tự do cho dân tộc.
Năm 1999, khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (cơ quan tiền thân của Bộ Công an ngày nay) đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2000, di tích đã được Bộ Công an quan tâm đầu tư, tu bổ và xây dựng mới trên diện tích hơn 30ha với 10 di tích. Trong đó, điểm nhấn là quần thể tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc" được làm bằng đá granite nguyên khối lớn, cao 21,6m, đường kính 4,5m, trọng lượng 420 tấn, diện tích gần 3.000m2, mang hình tượng người chiến sĩ tay nâng cao chim bồ câu thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, trong quần thể khu di tích còn có khu bảo tàng Công an nhân dân, nơi lưu giữ trên 2.000 hiện vật, là kho tư liệu quý giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.
Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương đã trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ đối với các thế hệ cán bộ, chiến sỹ công an mà còn với nhân dân trong cả nước trong hành trình về với Tân Trào – “trung tâm Thủ đô kháng chiến”.
Phạm Phương