Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Văn phòng Trung ương Đảng và Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1947, toàn thể cán bộ, nhân viên của Văn phòng Chủ tịch phủ đã lên tới Tân Trào (Tuyên Quang) - An toàn khu của Chính phủ kháng chiến. Theo Chỉ thị của Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch phủ được đặt tại thôn Hồng Thái (nay là thôn Cả, xã Tân Trào) với bí danh là Trung đội 555, sau đó đổi tên là Ban Thông tin Tháng Tám và Ban Kiểm lâm 13. Giữa năm 1948, sau khi thay đổi nhiều địa điểm, Văn phòng Chủ tịch phủ được chuyển đến đóng tại khu vực thác Rẫng, bên bờ sông Phó Đáy, thuộc thôn Lập Binh. Ở đây, địa thế hiểm trở, nhân dân có tinh thần yêu nước, hết lòng trung thành với Chính phủ, bảo đảm giữ được bí mật, đồng thời tiện liên lạc với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và các cơ quan khác của Trung ương Đảng và Chính phủ. Văn phòng Chủ tịch phủ thời gian này được giao nhiệm vụ làm đầu mối để phối hợp với các cơ quan chức năng sắp xếp, bố trí cho các bộ, ban, ngành của Chính phủ và các cơ quan Trung ương về đóng tại một số thôn, bản trong vùng An toàn khu. Đây là cơ quan cuối cùng hoàn thành văn bản để ban hành các sắc lệnh của Chủ tịch nước, các nghị định, thông tư của Chính phủ cũng như các văn kiện của Hội đồng Quốc phòng tối cao; là nơi tổng hợp tình hình và báo cáo của các bộ, ủy ban hành chính các liên khu, các tỉnh để báo cáo lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và Thủ tướng đến các bộ, ngành và địa phương, phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Chính phủ.
Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 25 đến 27/7/1949, Văn phòng Chủ tịch phủ và Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao được hợp nhất thành Văn phòng Thủ tướng phủ, có bí danh là Ban kiểm tra 12. Khu cơ quan Văn phòng Thủ tướng phủ được tổ chức quy mô, bao gồm các phòng, ban:
Phòng 1: Hành chính, bao gồm các bộ phận tiếp nhận và gửi công văn, quản lý mật mã, điện đài, giao thông liên lạc, lưu trữ hồ sơ.
Phòng 2: Quản trị, tài chính, ngân sách, kế toán, quản lý nhân sự và bộ phận tổ chức các đội công tác, bộ phận phục vụ hội nghị và trạm xá 12 (thường xuyên chăm lo sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Phòng 3: Theo dõi công tác kế hoạch, tuyên huấn, thi đua ái quốc, phụ trách bộ phận thảo báo cáo, công tác thư viện, pháp chế, công báo, báo chí, thông tin, thống kê.
Phòng 4A: Theo dõi công tác nội chính.
Phòng 4B: Theo dõi các ngành kinh tế tài chính và phòng Bí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phòng 7: Giúp việc Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Các phòng, ban làm việc được xây dựng bằng các nguyên vật liệu đơn giản, sẵn có của địa phương như tre, nứa, gỗ… nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, làm việc của cán bộ, nhân viên Văn phòng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc thiết kế các phòng, ban trong cùng một không gian, trước mặt là sông, phía sau là núi, đảm bảo an toàn về công tác phòng không cũng như hoạt động bí mật của các chiến sĩ cộng sản.
Trong thời gian làm việc tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra nhiều quyết sách quan trọng của cách mạng Việt Nam, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta vượt qua những chặng đường gian khổ để đi đến thắng lợi hoàn toàn. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự hình thành và phát triển của bộ máy giúp việc gọn nhẹ, đắc lực và hiệu quả cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhằm phục vụ khách tham quan và các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ đã được khôi phục lại theo nguyên mẫu. Ngày nay, đến với khu di tích, du khách sẽ có dịp tham quan các phòng, ban làm việc trước đây của Văn phòng Chính phủ; tìm hiểu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trong thời gian ở và làm việc tại đây. Thông qua đó, du khách cũng sẽ phần nào hiểu rõ hơn về nhân cách, lối sống, tâm hồn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc.
Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, giao thông thuận lợi cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học, giáo dục quan trọng, di tích Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ đang là điểm đến được nhiều du khách quan tâm lựa chọn trong hành trình về với trung tâm thủ đô kháng chiến năm xưa.
Di tích mở cửa phục vụ khách tham quan từ 7h30 - 11h00 và từ 14h00 - 16h30 các ngày thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Phạm Phương