(TITC) - Từ trung tâm TP. Hà Giang, vượt qua quãng đường khoảng 160km về phía đông bắc, du khách sẽ tới cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú - nơi cực Bắc của Tổ quốc. Cột cờ được xây dựng trên đỉnh núi Rồng (còn gọi là Long Sơn), ở độ cao gần 1.700m so với mực nước biển.
Cột cờ Lũng Cú đã có từ rất lâu đời. Sử sách truyền rằng, vào thế kỷ thứ 11, sau khi đẩy lùi quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu (Trung Quốc), tướng quân Lý Thường Kiệt khi trở về qua biên ải hội quân đã cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng và nói đại ý: Đất này là của cha ông ta, nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, chúng ta phải giữ gìn. Đến thời Tây Sơn, sau đại thắng quân Thanh, Vua Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng lớn tại khu vực này và cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi vang xa như lời khẳng định chủ quyền đất nước. Vì thế, Lũng Cú còn có hàm ý “Long Cổ”, nghĩa là trống của vua; còn theo tiếng Mông nghĩa là “Long Cư” - nơi cư ngụ của rồng.
Năm 1978, đồn biên phòng Lũng Cú dựng một cột cờ cao trên 10m bằng gỗ sa mộc, trên đỉnh treo lá cờ rộng 1,2m². Trải qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp và xây mới, đến năm 2010, sau gần 200 ngày thi công, cột cờ Lũng Cú mới đã hoàn thành với chiều cao 33,15m, trong đó phần chân cột cao 20,25m, cán cờ cao 12,9m, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8m. Cột cờ có hình bát giác, 8 mặt ở chân và bệ cột cờ là những phù điêu bằng đá xanh chạm khắc nhiều họa tiết mô phỏng hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, các giai đoạn lịch sử của đất nước và tập quán văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Hà Giang. Trên đỉnh cột cờ là lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Tại chân cột cờ có nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc ở Hà Giang.
Từ xa, cột cờ Lũng Cú hiện ra thật trang nghiêm giữa một vùng có 3/4 diện tích là đá, xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ, trữ tình. Đến chân núi Rồng, du khách tiếp tục chinh phục 389 bậc đá dẫn lên cột cờ Lũng Cú, để rồi ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên ngoạn mục. Toàn cảnh cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp hiện ra như một kiệt tác của tạo hóa, chấm phá những bản làng mộc mạc, nằm nép mình bên những ngọn núi. Phía xa ẩn hiện dưới màn sương trắng là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn khắp các sườn đồi.
Nhìn xuống dưới chân núi Rồng, du khách sẽ thấy 2 hồ nước lớn nằm gần như đối xứng ở hai bên ngọn núi, được người dân bản địa ví như “mắt rồng” gắn với truyền thuyết cổ xưa, tạo thành một bức họa độc đáo. Ở hai bên hồ nước, một bên là làng Lô Lô Chải, chủ yếu là người Lô Lô sinh sống, một bên là làng Thèn Pả, nơi cư trú của đồng bào Mông với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên đây chưa phải là điểm ngắm cảnh cao nhất trên cột cờ Lũng Cú bởi trong lòng cột cờ còn có một cầu thang xoắn ốc 140 bậc. Lần theo lối đi hẹp hắt ánh sáng qua ô cửa nhỏ, du khách như bị hút lên cao theo cơn gió lộng từ trên đỉnh đầu. Vòm sáng mở rộng dần, mang theo ánh nhìn mới, cảnh vật như bị thu nhỏ lại, ẩn hiện sau màn sương giăng bảng lảng. Lúc này, lòng người như lắng lại bởi âm thanh của tiếng lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trong gió. Hành trình chinh phục cột cờ Lũng Cú chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm đặc biệt, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và thôi thúc thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, bảo vệ và xây dựng non sông Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Phương Mai - Phạm Phương