(TITC) - Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng từ tháng 4/2005 đến tháng 4/2011 trên tổng diện tích khoảng 6.000m² bao gồm nhiều hạng mục công trình. Trong đó, nhà trưng bày cao 3 tầng với không gian trưng bày có diện tích 3.000m², là nơi giới thiệu khoảng 2.500 tư liệu, hình ảnh và hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, tự nhiên ở TP. Đà Nẵng và vùng phụ cận. Hơn 1.900 hiện vật trong số đó là hiện vật gốc được sưu tầm từ sau năm 1975.
Tầng 1 của nhà trưng bày được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay ôm lấy biển khơi. Điểm nhấn của khu vực này là hình ảnh 5 cánh buồm khắc phù điêu với nội dung “Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước” và chiếc trống đồng được đúc theo phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn.
Các tư liệu, hình ảnh và hiện vật ở đây được trưng bày theo các chủ đề, gồm: Điều kiện tự nhiên (giới thiệu bộ sưu tập về hệ sinh thái biển, tài nguyên địa chất khoáng sản, khí hậu thủy văn), Đà Nẵng thời Tiền - Sơ Sử (gồm trang sức, đồ sắt, đồ gốm, đồ đá, búa, rìu thuộc văn hóa Sa Huỳnh...), Cổ vật (gồm bộ sưu tập đồ đồng mang phong cách thời Thương – Chu (Trung Quốc) từ thế kỷ 18 Tr.CN - 3 Tr.CN, bộ sưu tập tượng thờ có niên đại vào khoảng từ thế kỷ 17 – 19, bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, bộ sưu tập gốm Chu Đậu có niên đại khoảng thế kỷ 14 - thế kỷ 17), Đời sống ngư dân và cảng biển Đà Nẵng (gồm các hiện vật mô tả về đời sống của cư dân miền biển và lễ hội văn hóa vùng biển Đà Nẵng, trong đó nổi bật là mô hình chiếc ghe bầu - đặc trưng của xứ Quảng nói riêng và của cư dân biển Nam Trung bộ nói chung, thịnh hành vào khoảng thế kỷ 16 - cuối thế kỷ 18), Nông nghiệp cổ truyền (bao gồm cày, bừa, bộng đất, cuốc, vồ, lờ, nơm, đăng, đó,…), Các ngành nghề thủ công tiêu biểu (giới thiệu 3 làng nghề truyền thống tiêu biểu: làng nghề điêu khắc đá Non Nước, làng nghề làm bánh tráng Túy Loan và làng nghề làm nước mắm Nam Ô), Đô thị Đà Nẵng trước 1975 (gồm các hình ảnh và hiện vật mô tả Đà Nẵng từ năm 1888 đến trước năm 1975 như bản đồ TP. Đà Nẵng và một số đồ dùng sinh hoạt của người dân Đà Nẵng...), Đà Nẵng hội nhập và phát triển (gồm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật giới thiệu về Đà Nẵng từ 1997 đến nay, trong đó tiêu biểu là không gian nhà Chồ - kiểu nhà ở tạm bợ của cư dân vạn chài ở phía bờ đông ven sông Hàn trước khi TP. Đà Nẵng có chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư cho người dân ở đây), Đà Nẵng - Thành phố anh hùng (giới thiệu những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước tặng cho quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng gồm: huân chương, huy chương, cờ...).
Tầng 2 của nhà trưng bày giới thiệu các tư liệu, hình ảnh và hiện vật theo các chuyên đề: Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng Pháp giai đoạn 1858 – 1860 (gồm sa bàn, súng thần công, xưởng vũ khí Nho Bán - địa điểm tạo vũ khí đầu tiên của Đà Nẵng trong những ngày đầu khó khăn của cuộc kháng chiến chống Pháp...), Các phong trào yêu nước trước năm 1930 (giới thiệu các hình ảnh minh họa phong trào Nghĩa Hội (1885 - 1887), phong trào Duy Tân (1906 - 1908) và phong trào Chống thuế ở Trung Kỳ (1908)), Đà Nẵng trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1955 – 1975 (trong đó nổi bật là không gian tái tạo căn cứ Môm Nở (phía Bắc bán đảo Sơn Trà) - nơi đóng quân của một bộ phận văn phòng Thành ủy Đà Nẵng trong giai đoạn từ 1954 – 1958 và không gian tái tạo căn cứ K20 - khu căn cứ bí mật do Quận ủy quận III Đà Nẵng chỉ đạo xây dựng vào mùa đông năm 1964, tồn tại trong suốt quá trình kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng năm 1975), Chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam (bao gồm các hình ảnh minh chứng về việc lính Mỹ hành quân càn quét nhà cửa, bắn giết thường dân vô tội, phun rải chất độc dioxin, ném bom hủy diệt làng mạc...).
Khu vực tầng 3 là nơi trưng bày theo chuyên đề Văn hóa cộng đồng các dân tộc ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, bao gồm: khu vực giới thiệu nhà rường ba gian hai chái của người Kinh, được làm bởi phường thợ mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP. Hội An); không gian tái tạo sân khấu biểu diễn nghệ thuật Tuồng; khu vực giới thiệu bộ sưu tập về công cụ sản xuất, săn bắt (cuốc cỏ, cuốc đất, dao phát bờ, ống đựng hạt giống, giỏ suốt lúa, gùi đựng lúa, giáo, dao, nỏ, bẫy...), y phục, trang sức nghề dệt vải của đồng bào các dân tộc (trong đó đáng chú ý là nghề dệt vải truyền thống và trang phục độc đáo được làm bằng vỏ cây rừng của người Cơ Tu), về nghề đan của đồng bào các dân tộc (gùi, dần, sàng, nia, khay đựng thức ăn...), các nhạc cụ tiêu biểu (đàn Gòn và Rót được làm từ vỏ quả bầu của người Xơ Đăng, đàn Abel được làm bằng một ống tre, vỏ trút của người Cơ Tu, cồng chiêng, các loại sáo...) và không gian giới thiệu về phong tục, tín ngưỡng các dân tộc (không gian tái tạo góc bếp của người Cơ Tu, bộ sưu tập tượng nhà mồ, tượng cổng làng Xơ Đăng, cột đâm trâu, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ dùng trang trí trong nhà Gươl của người Cơ Tu...).
Hiện nay, cùng với việc trưng bày tại chỗ, bảo tàng Đà Nẵng còn tổ chức nhiều buổi trưng bày lưu động, mời nhân chứng kể chuyện lịch sử nhằm giới thiệu văn hóa, lịch sử của thành phố đến du khách. Đặc biệt, bảo tàng còn phối hợp với nhiều trường học trong cả nước tổ chức các chương trình học tập ngoại khóa, vui chơi giải trí, trồng cây lưu niệm trong khuôn viên bảo tàng, qua đó giáo dục cho các thế hệ học sinh về ý thức, trách nhiệm gìn giữ giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, bảo tàng Đà Nẵng còn được đầu tư lắp đặt các thiết bị nghe nhìn, hệ thống chiếu sáng hiện đại và bố trí đội ngũ thuyết minh viên được đào tạo bài bản. Bảo tàng Đà Nẵng trở thành địa điểm tham quan, nghiên cứu không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với thành phố biển Đà Nẵng.
Thông tin thêm:
Giờ mở cửa: 8h00 - 17h00 (tất cả các ngày trong tuần).
Giá vé: 20.000 đồng/lần/người lớn (áp dụng cả khách trong nước và nước ngoài).
Miễn phí:
• Trẻ em, học sinh, sinh viên.
• Công dân thường trú tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
• Người từ 60 tuổi trở lên theo Luật người cao tuổi.
• Người khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật.
• Đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa quy định tại Điều 2, Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”.
Phạm Phương