Theo sách "Tây Hồ chí", hồ Trúc Bạch có từ thế kỉ 17 khi nhân dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp một con đê ngăn góc phía đông nam của hồ Tây để nuôi cá. Đến thời chúa Trịnh Giang (1729 - 1740), chúa đã lấy một khu đất nằm phía nam hồ ở làng Trúc Yên để xây cung điện làm nơi tĩnh dưỡng, gọi là Trúc Lâm Viện. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, cung điện trở thành lãnh cung giam giữ các cung nữ có tội. Các cung nữ phải dệt lụa để mưu sinh kiếm sống và lụa họ dệt ra nổi tiếng khắp vùng, được gọi là "lụa làng Trúc", tức "Trúc bạch". Từ đó, phần hồ bị ngăn ra nằm phía làng Trúc Yên cũng được gọi là hồ Trúc Bạch. Đến năm Chiêu Thống thứ hai (1788), vua Lê Chiêu Thống cho đốt hết cung điện của chúa Trịnh, Trúc Lâm Viện cũng bị đốt thành tro.
Phần lớn du khách khi đến Hà Nội đều ghé thăm hồ Trúc Bạch bởi xung quanh hồ có rất nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc. Góc phía tây nam hồ có đền Quán Thánh (đường Thanh Niên) – một trong Thăng Long tứ trấn; phía đông có chùa Thần Quang (phố Ngũ Xã) và chùa Châu Long (phố Châu Long) được xây từ thời Trần, là nơi tu hành của công chúa Khiết Cô – con gái vua Trần Nhân Tông (1279-1293), phía đông bắc có đền An Trì (phố Phó Đức Chính), thờ Uy Đô – một vị anh hùng đã có công lãnh đạo nhân dân chống quân Nguyên; nằm trên một đảo nhỏ phía bắc hồ có tấm bia đá ghi lại sự tích đền Cẩu Nhi.
Xung quanh hồ Trúc Bạch trồng nhiều loại cây, điểm xuyết những vườn hoa xinh xinh và những thảm cỏ xanh mát mắt. Đến hồ Trúc Bạch, du khách có thể ngồi nhâm nhi ly cà fê tại các quán ven hồ; bơi thuyền, đạp vịt ngắm cảnh hồ hay đi dạo trên con đường Thanh Niên rợp bóng phượng hồng và bằng lăng tím để thả hồn miên man với nước hồ và gió trời.