Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Hội chợ Viềng

Thời gian: 8 tháng giêng âm lịch.
Địa điểm: Xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Đặc điểm: Là phiên chợ "Cầu May". Sản phẩm mua và bán ở chợ rất độc đáo.

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh, trước đây chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Bao quanh là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên cùng với việc đi chơi chợ là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên thôi, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết.

Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người. Dân Nam Ðịnh đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người tứ xứ từ Hà Nội vào, Thanh - Nghệ ra, Hải Phòng - Quảng Ninh lên, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt; để chơi, để kiếm món đồ có giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng.
Chợ là hai dãy quán chủ yếu là tre, nứa dựng tạm ở bên lề đường, chạy dài suốt 5km với đầy đủ sắc màu. Chợ cũng bày bán đủ mọi thứ hàng hoá, nhưng điều đặc biệt ở đây là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Ðến chợ Viếng vào xuân, mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc. Ðó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ là đã được xem là có may mắn trong cả năm.

Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép... càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ. Chúng đơn giản chỉ là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cày, cái cuốc, cái dao, cái liềm, cái thúng, cái mủng... hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi như cây chanh, cây ớt, các loại cây cảnh, cây ăn trái... bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng...

Những người buôn bán ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình cũng cơm nắm cơm đùm đi từ sáng sớm để kịp buổi chợ. Nhữngngười ở tỉnh xa hơn như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang phải đến từ chiều hôm trước tìm nhà nghỉ trọ. Suốt cả vùng từ đêm trước phiên chợ ánh điện chan hoà. Những người buôn bán đến Viềng dù xa hay gần, thuận lợi hay cách trở, đến đây mọi người đều mang thứ đặc sản của quê hương mình tham gia phiên chợ.

Chợ Viềng dù chỉ một ngày phiên nhưng hàng hóa thì ngàn vạn, quán ăn hàng quà rải suối ba cây số. Dân trong vùng và xung quanh mang các thứ cần dùng cho đời sống, công việc và học tập của con cháu hàng ngày để mua, bán, trao đổi. Từ các loại cuốc, xẻng đến bát, đĩa, rổ, rá, áo quần, giầy dép cho tới quyển sách, cái bút tồi cây kim, sợi chỉ càng có mặt trong ngày phiên chợ. Trong chợ còn có bán cả các sản phẩm đặc trưng, nổi tiếng của từng vùng như rau cần Thiệu Vịnh, bồ, đó Văn Tập, vó lưới Bồng Làng. Chợ còn l2 nơi bán các loại đồ dùng cũ, ai đến chợ cũng phải mang một vài thứ gì đó, từ một chiếc nồi cũ hay một chiếc cuốc để mòn đều có thể đem bày bán.

Bên cạnh những món hàng truyền thống vài chục năm gần đây chợ còn bán cây giống lấy gỗ như bạch đàn, phi lao, xà cừ, cây giống ăn quả như vải thiều, nhãn Hưng Yên, táo Thiện Phiến. Phiên chợ mà người bán không cần bán đắt, người mua chẳng thiết tha lắm với giá rẻ, đắt, chỉ cần " bán", " mua" lấy được cho phát tài quanh năm. Chợ còn là nơi giới thiệu làng nghề, tay nghề ở những vùng quanh đó. Nhiều đôi nam thanh nữ tú tay trong tay vãn cảnh chợ Viềng, cầu mong cho hạnh phúc lứa đôi. Hội chợ Viềng đầu xuân thật vui vẻ nhộn nhịp với tiếng chiêng, trồng hòa lẫn với tiếng gò mâm, gò nồi, hàng búa thợ rèn cùng với âm thanh của hàng ngàn, hàng vạn người mua, kẻ bán, người xem đã tạo nên thứ âm thanh ồn ào, rất đặc trưng của phiên chợ Viềng xuân.

 

Nếu nói đến chợ Viềng mà chỉ nói đến những thứ vừa nêu trên thì chưa thật đầy đủ, vì điểm nổi bật và gây ấn tượng nhất đối với mỗi du khách chính là những miếng thịt bê được thui vàng ruộm. Người ta quan niệm đi chợ Viềng mà không mua bán một thứ gì đó cũng như không có một miếng thịt bê mang về lấy lộc thì coi như chưa đến chợ Viềng, chưa được may mắn. Phải chăng cũng chính vì mang ý nghĩa tâm linh ấy nên hầu như mọi hoạt động trong chợ đều diễn ra theo kiểu "nói sao, mua vậy". Nghĩa là, người bán không cần nói thách và người mua cũng chẳng phải mặc cả, bởi người xưa cho rằng nếu còn chút gì đó "băn khoăn" về giá cả thì sẽ làm mất hết lòng thành kính và sự tôn nghiêm. Cũng vì mong vận đỏ nên chợ Viềng mới có một đặc sản nữa là thịt bò. Vào phiên chợ Viềng tràn ngập thịt bò. Người ta quan niệm thịt bò mang lại vận son cho cả năm vì có màu đỏ. Một phiên chợ Viềng người ta thui đến vài trăm con bò. Khắp xung quanh khu chợ khói rơm thui bò nghi ngút, đặc quánh như sương. Nhà làm hàng thịt mổ bò đã đành, nhà bình thường cũng đi mua vài con bò về mổ, chất rơm thui và bày bán như ai. Suốt một ngày một đêm chợ ngây ngất mùi thịt bò với hai món "bá chủ" là phở bò và thịt bò xào. Ai không ăn được ráng chịu vì không còn thứ gì khác.

 

Muốn đi được cả hai chợ Viềng thì phải từ Viềng Phủ ra đi vào giữa đêm. Trời tối như mực. Ðường sang Viềng Nam Trực phải đi qua hai quãng đồng rộng mênh mông, gió thổi ù ù lạnh buốt. Viềng Nam Trực cách Viềng Phủ 30km nhưng dân chơi đồ cổ đã chực sẵn ở đó từ chập tối hôm trước. Viềng Nam Trực còn được gọi là Viềng Chùa vì chợ phiên nằm sát chùa Ðại Bi, thậm chí cái đuôi chợ còn ăn lấn cả vào sân chùa và cái đuôi ấy cũng chính là phần hấp dẫn nhất của Viềng Chùa: đồ cổ thứ thiệt nằm lẫn trong vô số đồ gia dụng cũ kỹ.

 

Viềng Chùa cũng có cây cảnh, có thịt bò, nhưng trừ dân sở tại, còn thì người tứ xứ về đây chỉ cốt để tìm kiếm, sục sạo trong những nồi niêu, xoong chảo, bát mẻ, đã vỡ, bếp dầu, phích Rạng Ðông, đến Hoa Kỳ để kiếm một món đồ cổ thứ thiệt nào đó mà chủ nhân của nó lơ ngơ bán với giá đồng nát.  Thật ra đồ cổ trong dân gian còn lại không nhiều, cái nào ra tấm ra món thì các đại gia đã quăng tiền tấn ra để cất vào kho từ lâu. Ðồ cổ thật còn lại trong mỗi phiên chợ Viềng lại càng ít, cũng chỉ là những món tầm tầm, vừa mắt, vừa túi tiền những người có ít nhiều kiến thức đồ cổ và ít tiền... Rất nhiều gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, nhất là gốm Ðông Triều niên đại 1999-2000 đã được trộn trong đống đồ gia đụng hổ lốn kia mong có ngươi nhìn nhầm, nhặt nhầm và trả giá nhầm. Mỗi người đi chợ một đèn pin, mỗi người bán lại một đèn pin, cả chợ cứ chớp chớp nhoáng nhoáng, cũ cũ mới mới chẳng biết đâu mà lần. Trời sáng đồ nào lại vào giá ấy. Nhưng vẫn không thiếu người hiếu kỳ đi tìm vận may, mua một chiếc bình mới giá 300.000-400.000 đồng giữa thanh thiên bạch nhật.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM