Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội làng Đăm

Thời gian: 9 - 13/3 âm lịch. Chính hội 10/3 âm lịch.

Địa điểm: Đình và miếu làng Đăm, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Đức Thánh Tam Giang (Bạch Hạc Tam Giang).

Đặc điểm: Rước kiệu, rước ngai, tế lễ, đua thuyền trên sông, chọi gà, đánh cờ, hát quan họ trên sông...

Từ Cầu Giấy, du khách theo tuyến đường 32 đến ngã tư Nhổn rẽ tay phải, đi thêm vài cây số là tới làng Đăm. Làng Đăm có 3 thôn, gồm thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ. Đình và miếu làng Đăm thờ Đào Trường, người có công trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm thời Hùng Duệ Vương. Khi quân giặc kéo đến chiếm nước Văn Lang, vua Hùng nghe theo kế sách đánh giặc bằng đường thủy của Đào Trường mà chỉ một trận đã đánh tan quân giặc. Sau khi giặc tan, nhà vua tin tưởng giao cho Đào Trường trấn giữ kinh thành. Ông cũng được nhà vua giao quyền chỉ huy quân đội đánh tan cuộc xâm lược lần thứ hai của giặc phương Bắc và dẹp yên cuộc nổi loạn ở Hồng Châu (Hải Dương). Trên đường từ Hồng Châu trở về kinh thành, ông mắc bệnh rồi mất. Để tưởng nhớ đến công ơn của một vị tướng có tài, nhà vua đã cho nhiều làng xã ở miền Bắc lập đền thờ Đào Trường và phong ông là Phúc Thần Bạch Hạc Tam Giang.

Lễ hội làng Đăm được tổ chức hàng năm trong 3 ngày, từ ngày 9 đến 11/3 âm lịch để tưởng nhớ người anh hùng có công với dân, với nước. Lễ hội được tổ chức theo quy định, năm chẵn có rước, năm lẻ chỉ có lễ với quy mô nhỏ. Nhưng cứ 5 năm, vào năm chẵn lại tổ chức lễ hội lớn với hội bơi thuyền Đăm, diễn tả lại chiến thuật tiến công bằng thuỷ quân của tướng quân Đào Trường.

Diễn biến lễ hội:

Ngày 9/3:

Buổi sáng, đội tế nam làm lễ tế cáo yết ở miếu từ sáng sớm. Sau đó, lễ rước kiệu Thánh từ miếu xuống đình được tổ chức với đội hình gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội nhạc lễ, bát âm, đồng văn (trống); đội cấm vệ quân hầu Thánh; đội rước kiệu; đội lễ vật; đội tế nam, đội tế nữ và đông đảo dân làng. Sau khi kiệu, ngai được rước về đình, đội tế nam cử hành lễ tế yên vị. Buổi chiều, đội tế nữ thực hiện màn dâng hương lễ Thánh.

Ngày 10/3 (Chính hội)

Từ sáng sớm, hội được bắt đầu bằng lễ tế của đội tế nam, bao gồm các cụ bô lão của 3 thôn trong làng thực hiện. Sau đó, lễ rước ngai Thánh từ đình ra nhà Thủy đình để Thánh ngự đua được tổ chức. Cả 3 thôn, mỗi thôn có hai thuyền đua độc mộc phải bơi sáu vòng, mỗi vòng khoảng 1000m. Mỗi thuyền đua dài 15m, gồm 18 trai bơi (tuổi từ 20 – 25), một ông lái (người lái thuyền), một ông dô (người bắt nhịp), một ông phất cờ, một ông cầm lạng (người cầm sào, để chống và đẩy thuyền khi thuyền sát vào thuyền khác), một người tát nước và một trọng tài có nhiệm vụ theo dõi để các trai bơi và những người trong thuyền không được vi phạm các luật lệ quy định. Buổi sáng thi bơi hai vòng, buổi chiều thi bơi một vòng. 

Ngày 11/3:

Cuộc thi bơi thuyền được tiếp tục với hai vòng thi vào buổi sáng và một vòng thi vào buổi chiều.  Thuyền được giải có vinh dự rước ngai Thánh xuống thuyền để trở về miếu. Tiếp đó, đội tế nam làm lễ yên vị ngai Thánh tại miếu. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội của đội tế nam vào lúc xế chiều.

Trong những ngày tổ chức lễ hội còn diễn ra rất nhiều các trò chơi, văn nghệ dân gian như: thả chim, thi cờ bỏi, thi chọi gà, thi đấu vật, đập niêu đất, hát văn, hát chèo, hát quan họ trên thuyền rồng...

 

(Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)



TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM