Du khách đi theo quốc lộ 14B khoảng 15km sẽ đến địa phận làng cổ. Dòng sông mang cùng tên làng “Tuý Loan” uốn lượn, ôm ấp lấy làng. Phong cảnh ở đây rất nên thơ, mộc mạc, hữu tình và tiềm ẩn nhiều điều thú vị.
Dân làng Tuý Loan đã xây dựng đình làng để thờ các vị tiền hiền, tổ tiên. Đình Tuý Loan là một di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng quốc gia, một địa chỉ nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan hấp dẫn. Đình làng Tuý Loan được xây ở vị trí trung tâm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889) với diện tích trên 110m² trong khuôn viên rộng hơn 8.000m², thoáng đãng, hướng quay ra sông, nhìn về thế núi, sát đường lớn và đặc biệt có cây đa cổ thụ cành lá xum xuê chắc đã có hơn trăm tuổi gây ấn tượng và cảm xúc khó quên. Tại văn bia đặt trong đình còn có bài ký của Tam giáp tiến sĩ Nguyễn Khuê người huyện Thanh Trì (Hà Nội) ghi lại việc lập đình. Bài ký có đoạn: “Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói'”. Văn bia ở Nhà ngũ tộc trong làng ghi rằng năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê được chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương nam (năm Hồng Đức nguyên niên 1470). Năm vị dừng chân chọn nơi đây để lập nghiệp khai khẩn làm ăn và đặt tên cho làng là Tuý Loan.
Đã hơn một thế kỷ trôi qua, đình làng vẫn còn gần như nguyên vẹn, trang nghiêm, trầm mặc dưới bóng đa cổ thụ và giữa bao các rặng tre làng. Sân đình có xây trụ biểu, bình phong, vẽ các câu đối... rất uy nghi, tôn kính. Hằng năm, đến ngày mồng chín tháng giêng làng cúng đầu năm và hội làng cũng được tổ chức dịp này với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao bổ ích, vui nhộn như: đua thuyền, hát hò khoan đối đáp, thi nướng bánh tráng... thu hút những trai tài, gái sắc, dân làng nhiều nơi và khách thập phương đến dự hội và tham quan. Đến ngày 11-12 tháng 8 âm lịch hằng năm, cả làng lại long trọng thiết lễ tế đình để tỏ lòng biết ơn các vị tiền hiền đã có công khai khẩn lập làng và cầu mong quốc thái dân an.
Mái đình, cây đa, bến nước... là biểu tượng đặc trưng của làng cổ Việt Nam. Ở đây, làng Tuý Loan có vị trí thuận lợi, là nơi hội tụ giữa đường thủy và đường bộ. Cảnh vật nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc, có dòng sông, bến nước, bãi bờ, làng quê, đồng lúa, cầu qua, chợ búa... Tương truyền Túy Loan xưa phát triển sầm uất, nổi tiếng trù phú, cảnh trên chợ dưới sông tấp nập. Chợ Tuý Loan như là một trung tâm quy tụ hầu hết sản vật quanh vùng: cá mắm từ Hội An, Đà Nẵng lên, lâm sản từ miền Tây xuống, chiếu, nón, nong rổ Cẩm Nê về... Nghề làm bánh tráng và mì Quảng ở Tuý Loan nổi tiếng từ xa xưa. Hiện nay còn trên 5 lò bánh, trong đó có lò Bà Tỉnh với nghề gia truyền hơn 40 năm. Để có bánh tráng ngon phải chế biến đủ năm thứ gia vị mắm, muối, đường, tỏi và mè. Còn để có con mì ngon dẻo, phải chọn ra được gạo 13/2 sản xuất từ vùng đất cát không phèn của xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc). Pha chế là bí quyết, một nghệ thuật của làng để bánh tráng và mì có hương vị độc đáo mà chẳng nơi nào sánh được. Dân gian đã truyền tụng câu ca rằng:
Tuý Loan trăm thứ đều ngon
Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ !
Khách đến Đà Nẵng, ra Bắc vào Nam hãy ghé lại Tuý Loan, dạo một vòng quanh làng và chợ họp ven sông, thưởng thức hương vị mì Quảng và bánh tráng, chiêm ngưỡng đình làng và không gian làng cổ. Có dịp dự hội làng quý khách sẽ rất thú vị và có ấn tượng khó quên về một làng cổ, một đình làng với cảnh sắc thiên nhiên mộc mạc, con người ân tình và nồng hậu, đậm đà bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam rất đáng tự hào và trân trọng.