Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội đình - đền Chèm

Thời gian: 14-15-16/5 âm lịch
Địa điểm:  Đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng – Nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Đặc điểm: Lễ mộc dục, rước nước, rước văn, rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn hát quan họ, chèo, hội thi bơi, hội vật, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu...

Đình Chèm còn được gọi là đền Chèm, thờ Đức Ông Lý Ông Trọng cùng Đức Bà Bạch Tĩnh Cung và ông Sứ Nguyễn Văn Chất.  Đức Thánh Lý Ông Trọng, người đã có công lớn với hai Triều đại Hùng Duệ Vương và An Dương Vương. Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên của dân tộc, khi được cử đi sứ sang nước Tần và giúp vua Tần dẹp yên sự quấy nhiễu của quân Hung Nô.

Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông hồng.

Lễ hội Chèm là lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức trong 3 ngày 14/15/16 tháng 5 (âm lịch). Lễ hội có sự tham gia của nhân dân ba làng: Thụy Phương, Hoàng Xá, Hoàng Liên (Liên Mạc) theo truyền thuyết địa phương thì ba làng kết nghĩa anh em, làng Chèm là anh cả, làng Xá là anh hai và làng Liên là anh ba.

Lịch Lễ hội được tiến hành theo trình tự như sau:

Ngày 14/05:

Buổi sáng, lễ khai mạc được bắt đầu lúc 7h sáng, với đông đủ các cụ ông cụ bà trong trang phục lễ hội cổ truyền cùng nhân dân trong vùng và khách thập phương tham dự lễ hội. Nghi lễ rước nước (Nghênh Thủy), được tiến hành ngay sau lễ khai mạc. Đoàn rước xuất phát từ đình, đi xuống bến ngự, các thành viên của đội rước trong trang phục truyền thống diễn lại sự tích khi Đức Thánh Chèm ra trận. Đi đầu là đội múa rồng do các thanh niên đảm nhiệm, tiếp đó là đội đánh chống, đánh chiêng. Theo sau là hàng tổng cờ vừa đi vừa múa cờ, kế đến là hàng chức việc cầm vũ khí; gươm hầu, bát bửu, chấp kích, tiếp theo là 3 đôi khiêng chĩnh (chóe) để đựng nước. Tiếp đến là 2 đội nhạc lễ; bát âm, đồng văn (trống) tấu bài lưu thủy rộn ràng, réo rắt. Đi sau là đội quân phù giá (cấm vệ quân hầu Thánh) hầu hết là nam thanh niên khỏe mạnh cởi trần, đóng khố đỏ, thắt lưng đỏ, khăn đỏ đội đầu, khăn đỏ bịt khẩu khiêng kiệu Ông và kiệu Bà. Đặc biệt, trước kiệu Đức Thánh Bà có hai cụ phù giá nữ. Theo tục làng Chèm, phù giá nữ phải là người tứ đức vẹn toàn, chồng đã quá cố, chưa hề mắc một tai tiếng nhỏ về phẩm cách. Xuống tới bến, đoàn rước lần lượt xuống thuyền. Sau đó từ từ chèo ra khoảng sông Hồng, đến đoạn cửa đình nơi gần giữa sông, thuyền chính quay 3 vòng để lấy nước. Người được chọn lấy nước là một ông già mặc lễ phục áo the, khăn xếp, dùng gáo múc nước sông cho vào 3 cái chĩnh cổ. Lễ rước nước sẽ được tiến hành trong suốt 3 ngày lễ hội, nước này được lấy để làm lễ Mộc Dục tắm bài vị cho Đức Thánh. 

Buổi chiều, được bắt đầu bằng tiết mục cúng phát tấu do các cụ ông trong trang phục truyền thống thực hiện. Sau cúng phát tấu, là lễ rước Văn từ chùa Chèm về Đình Chèm (đây là rước văn tế từ nơi soạn chúc văn về đình để phục vụ cho nghi lễ tế tại đình.) Khi văn tế đã về đình, đội tế lễ của ba làng cùng làm lễ tế để nhập tịch.  

Ngày 15/05:(Chính hội)

Buổi sáng, có lễ rước nước với ba con thuyền rồng của ba làng bơi ra giữa sông Hồng múc nước sông đổ vào chĩnh rồi biểu diễn quay thuyền ba vòng trước khi bơi vào bờ. Cùng với lễ rước ở dưới sông là đoàn dâng hương tế Thánh ở trong đình. Khi nước đã được rước về, đoàn tế lễ làm lễ bái ban Mộc Dục Đức Ông, Đức Bà cùng lễ khai quang, lễ kỳ yên và tiết mục phóng sinh chim bồ câu tại cửa đình. 

Buổi chiều, Là lễ rước Đức Thánh hoàn cung và yên vị tại đình. Tiếp đó nhân dân cùng khách thập phương về dâng hương và lễ Đức Thánh. Sau cùng lễ bái ban Mộc Dục cụ Sứ được tiến hành cho đến xế chiều.

Ngày 16/05: 

Sáng được bắt đầu bằng lễ rước nước như các hôm trước, sau đó là đoàn dâng hương của làng làm lễ tế Thánh. Tiếp đó là các đoàn của các làng lân cận đến lễ Thánh. Chiều làm lễ rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm. Đến xế chiều, các cụ ông trong đội tế của ba làng cùng làm lễ tế hạ hội.

Lễ hội ngoài phần lễ còn có phần hội, được tổ chức rất quy mô với những hội thi và các trò chơi truyền thống được diễn ra trong cả 3 ngày như: thi làm chè kho, thi bơi, thi vật, thi bắt vịt nước, chơi cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, đấu vật… Ngoài các chương trình vui chơi còn có giao lưu văn nghệ hát quan họ giữa các làng.

Lễ hội đình Chèm là một lễ hội cổ truyền đặc sắc gắn liền với lịch sử của dân tộc, rất tiêu biểu cho sinh hoạt văn hóa phổ biến trong cư dân nông nghiệp lúa nước đồng bằng sông Hồng. Đồng thời nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, yêu đất nước quê hương của người Việt Nam.


TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM