Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội đình Giàn

Thời gian: 9 - 11/2 âm lịch.

Địa điểm: Đình Giàn, phường Xuân Đỉnh, quận Từ Liêm, T.P Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Thờ Thành hoàng làng Thái úy Tướng công Thượng đẳng Tôn Thần Lý Phục Man.

Đặc điểm:Tế lễ, rước nước, rước kiệu, đấu cờ người…

Đình Giàn thờ Thành hoàng làng Thái úy Lý Phục Man, là người làng Cổ Sở (nay là làng Yên Sở). Thái úy Lý Phục Man có tài thao lược, đã giúp vua Lý Nam  Đế dẹp loạn và đánh đuổi quân xâm lược. Ông đã được vua phong làm Đại tướng quân và gả công chúa cho.

Trong một trận giao chiến với quân Chiêm Thành, do bị tấn công bất ngờ nên quân của Lý Phục Man bị bao vây. Vì không muốn lọt vào tay giặc và để giữ tròn khí tiết, ông đã tự vẫn. Cảm phục và thương xót vị Tướng quân quả cảm có công với dân với nước, vua đã ban sắc lệnh đưa thi hài Lý Phục Man về quê hương an táng ở bến Hồ Mã, rồi xuống chiếu chỉ cho các làng quê ở vùng Đồng Bằng Bắc Bộ (74 làng xã trong cả nước) hàng năm hương khói phụng thờ.

Lễ hội đình Giàn được tổ chức hàng năm trong 3 ngày, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách thập phương về tham dự.

Ngày 08/02:

Buổi sáng, lễ rước nước từ chiếc giếng cổ có từ thời Hai Bà Trưng về đình để tiến cúng Thành hoàng được tổ chức. Tiếp theo là lễ cúng Khai Quang được thực hiện bởi các sư thầy của chùa Thiên Phúc (chùa Giàn)

Buổi chiều, phần lễ được bắt đầu với lễ tế Cáo yết của đội tế nam. Sau đó, dân làng và đội dâng hương nữ vào lễ Thánh.

Ngày 09/02:

Từ sáng sớm, lễ duyệt quân của thôn Cáo Đỉnh đã được tổ chức. Tiếp đó, đội dâng hương nữ của các thôn lân cận cùng đội rước lễ vào lễ Thánh đến tận xế chiều.

Ngày 10/2: (Chính hội)

Buổi sáng, sau lễ công bố đọc thần phả của đình là lễ rước kiệu Ông, kiệu Bà ra miếu Mẫu (miếu thờ mẹ của Lý Phục Man) để làm lễ rồi sau đó rước trở lại đình. Khi rước, kiệu Ông đi trước, kiệu Bà đi sau, mỗi kiệu đều có 16 người thay nhau khiêng, nam khiêng kiệu Ông, nữ khiêng kiệu Bà. Đi trước đội rước kiệu là phường bát âm, đội sênh tiền, múa bồng, múa mặt nạ, múa tử linh.

Buổi chiều, các thôn làm lễ tạ, tiếp theo đội dâng hương nữ hành lễ. Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội của đội tế nam vào lúc xế chiều.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, đấu cờ người, các trò vui, thi đấu võ dân tộc...

Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM