Tên gọi mà người Ba Na và Ê Đê dùng để chỉ loại đàn một dây dùng cật tre làm cung kéo của một số tộc sống trên dọc Trường Sơn - Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Xơ Đăng, Pa Kô, Hrê...
Thân đàn là một khúc nứa, tre hoặc gỗ tròn nhỏ, không có bầu cộng hưởng. Trên thân có gắn phím bấm. Dây đàn được mắc dọc theo thân đàn. Cung kéo chỉ là một đoạn tre nhỏ hoặc một thanh tre khi diễn tấu người ta cọ phần cật vào dây.
Cấu trúc đơn giản nhưng nét đặc sắc của k'ni là ở phương thức khuyếch đại âm thanh và thay đổi âm sắc bằng khoang miệng nhờ một sợi dây nối từ dây đàn tới miệng người kéo đàn. Vừa kéo cung và bấm vào phím tại những vị trí khác nhau trên dây để tạo nên các cao độ, người chơi đàn vừa thay đổi khẩu hình lúc khép lúc mở theo lời thơ họ muốn diễn đạt. Âm thanh của đàn do đó bị biến dạng theo, nghe gần như tiếng người. Những người hiểu tiếng dân tộc và quen nghe K'ni có thể hiểu được nội dung ca từ mà nhạc công truyền đạt qua tiếng đàn. Chính vì vậy có tộc cho rằng "k'ni hát". Có nơi đồng bào Ê Đê còn sử dụng k'ni để đọc những bài thơ xen vào khi kể Chơ Nắc.
Âm lượng nhỏ và với đặc tính như trên, k'ni chủ yếu là nhạc khí để bộc lộ tâm sự, tình cảm của các chàng trai với các cô gái vào những lúc thanh vắng tĩnh mịch. Đôi khi người Ê Đê cũng dùng k'ni để đệm cho hát khóc trong lễ tang. Gần đây k'ni cũng bắt đầu được khai thác và giới thiệu trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp.