Sau những đợt mưa xuân, cỏ cây như được tiếp thêm nhựa sống, đâm chồi nảy lộc và trong thời điểm thăng hoa của thời tiết ấy, người Hà Nội đã tìm ra được cho riêng mình một món ăn bình dân và thanh nhã: Mía ướp hoa bưởi.
Mía ướp hoa bưởi, món quà của thời tiết.
Với vị ngọt thanh của mía quyện với hương thơm dìu dịu của hoa bưởi sẽ để lại một ấn tượng khó quên cho những ai đã từng thưởng thức món ăn này.
Giờ đây người dân thành phố chẳng mấy ai còn giữ được thói quen ướp mía nữa bởi hoa bưởi thì khó kiếm và việc chế biến mía từ khâu chọn tới róc, tiện mía cũng khá cầu kỳ.
Việc chọn mía đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nếu chẳng may chọn phải tấm ngọn thì có ưu điểm là mềm nhưng khi ăn vẫn có chút chua chua. Phần gốc, gióng mía dài, thẳng và nuột nhưng hơi cứng, chính vì vậy, phần giữa cây mía vẫn là ngon nhất. Mặt mía chưa đanh, song, sợi mía khi chẻ ra lại mịn và óng. Dao dùng róc mía cũng phải lựa. Lưỡi dao sắc nhưng không được mỏng quá mà phải cầm hơi đằm tay, nếu không thì lưỡi dao sẽ lẹm sâu vào thịt mía làm tấm mía sẽ nham nhở, không còn được dáng vẻ tròn trịa đầy đặn ban đầu. Người tiện mía phải thật dẻo tay để khi bẻ ra, từng khẩu từng khẩu mịn màng, đều tăm tắp.
Để có được những món mía ướp hoàn hảo thì ngoài việc chọn mía, khâu lựa hoa bưởi cũng đòi hỏi sự kỹ càng. Hoa bưởi được chọn phải là những bông cứng cáp, tươi tắn và vừa chớm nở, nếu cánh hoa uốn quá cong thì đó là những bông đã nở từ hôm trước, hương hoa đã bay đi ít nhiều còn nếu cánh hoa vừa chớm thì chưa đủ chín để tỏa hương. Hoa bưởi không nên hái quá sớm hay quá trưa mà tốt nhất là lựa bông vào lúc nắng mới lên, khi ấy hoa đượm hương nhất. Bỏ bông bưởi vào trong chiếc túi ni lông trắng có xếp sẵn những gióng mía đã róc tiện gọn, buộc thật chặt lại rồi để vào một nơi thoáng mát khoảng 1 giờ đồng hồ là có thể ăn được. Cẩn thận hơn nữa, có thể đặt chúng vào trong ngăn mát của tủ lạnh khoảng 30 phút là hương bưởi đủ ngấm vào trong khúc mía và mía đủ độ mát ngọt.
Mía ướp hoa bưởi chính là một món quà của thiên nhiên ban tặng cho mỗi chúng ta.