Tối 14/5/2008, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội sẽ diễn ra Đại lễ nhạc Đại lễ Phật đản Vesak 2008.
Đây là chương trình Đại lễ nhạc thể hiện các sắc thái văn hoá Việt Nam và Phật giáo Việt Nam chào đón các Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng ni, Phật tử và các vị khách quý của Việt Nam và đại diện của 600 phái đoàn Phật giáo trên thế giới đại diện cho 83 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Phật lịch 2552 tổ chức tại Việt Nam (khai mạc ngày 14/5/2008).
Với đặc thù của chương trình nghệ thuật mang tinh thần Phật giáo của Việt Nam dành cho khán giả quốc tế, nên ngôn ngữ và trình diễn sân khấu đương đại được sử dụng gồm múa và âm nhạc. Vở múa “Hoa khai kiến Phật - Flowers bloosom, Buddha is being seen” từ ý tưởng của Đại đức Thích Minh Hiền, biên đạo múa Tấn Lộc đã dựng lên một tác phẩm mang màu sắc triết lý Phật học "Hoa nở thấy Đức Phật hiển linh cứu vớt chúng sinh". Vở múa ngắn, thể hiện quá trình con người được sinh ra trên cõi đời đầy rẫy những khổ đau tưởng như vô tận (Sinh-lão-bệnh-tử). Đức Phật hiển linh trong vầng hào quang chói lòa, để cứu vớt chúng sinh khỏi cảnh Tứ Khổ. Phần âm nhạc do nhạc sĩ Anh Quân với vai trò đạo diễn âm nhạc sử dụng phong cách hoà âm worldmusic hiện đại, trong đó có sử dụng một số các nhạc cụ dân tộc.
Ca khúc Mừng Đại lễ Phật đản (Ca mừng Vesak) do Anh Quân sáng tác sẽ do 2 ca sĩ hàng đầu của 2 dòng nhạc Pop và Thính phòng: Mỹ Linh và Trọng Tấn song ca. 3 ca sĩ Mỹ Linh, Trọng Tấn và Khánh Linh sẽ trình bày thêm các ca khúc Chắp tay hoa (Phạm Duy- thơ Phạm Thiên Thư), Lạy Phật con về (Lê Mạnh Cương) và Nam mô bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật (Thẩm Oánh). Ngoài ra, góp phần trình diễn còn có 108 tăng ni, phật tử trong các màn tán, tụng Phật giáo. Phần văn nghệ đặc sắc mang đậm màu sắc Văn hoá Việt Nam được lựa chọn kỹ lưỡng gồm: Màn trống truyền thống Việt Nam của nhóm trống Xuân Sơn, hát văn Hương Sơn phong cảnh ca (thơ Chu Mạnh Trinh) của NSND Thanh Hoài và màn múa Lục cúng hoa đăng. Việc lựa chọn những hình thức diễn xướng nổi bật về giá trị di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng này của Việt Nam, vừa là một hình thức giới thiệu văn hoá Việt vừa là một sự khẳng định sự đồng hành của Phật giáo và dân tộc Việt Nam từ rất lâu, đồng thời nhấn mạnh sự sâu rễ bền gốc của Tư tưởng Phật giáo trong đời sống và văn hoá truyền thống của dân tộc ta.
Đạo diễn Việt Tú cho biết, toàn bộ nhân sự thực hiện và êkíp tổ chức sản xuất, biểu diễn, âm thanh ánh sáng, mỹ thuật đều tình nguyện khai tâm công đức, góp sức vào việc tổ chức thành công đêm Đại lễ nhạc này. Tất cả cùng với hàng ngàn tình nguyện viên khác đều mong muốn góp sức mình tổ chức thành công Đêm diễn này cũng như góp phần nhỏ vào việc tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc lần thứ V mà Việt Nam vinh dự được đăng cai.