Hàng năm, cứ vào ngày 27/9, mỗi quốc gia, nền kinh tế là thành viên của Tổ chức Du lịch thế giới đều hưởng ứng, hoặc tiến hành tổ chức kỷ niệm “Ngày Du lịch Thế giới”.
|
Nguồn ảnh: Internet
|
Đây là một trong những sự kiện trọng đại nhất của Tổ chức Du lịch thế giới, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng thế giới về ý nghĩa và vai trò quan trọng của ngành du lịch trong việc góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nói chung cũng như của mỗi quốc gia, nền kinh tế nói riêng.
Khởi nguồn từ năm 1980 với chủ đề: “ Du lịch, đóng góp cho gìn giữ di sản văn hóa, hòa bình và hiểu biết lẫn nhau”, Tổ chức Du lịch thế giới hàng năm đã liên tục phát động các hoạt động hưởng ứng sáng kiến dưới nhiều chủ đề khác nhau, bám sát những vấn đề thực tiễn và cấp thiết liên quan mà ngành du lịch toàn cầu đang thích ứng và giải quyết, như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, môi trường, đa dạng sinh học, đào tạo và giáo dục, việc làm, tăng cường hợp tác khu vực công-tư, ứng dụng công nghệ, tạo điều kiện di lại, giao thông,… Nhằm để sáng kiến này được triển khai hiệu quả và có sức lan tỏa hơn, bắt đầu từ năm 1998 Tổ chức Du lịch thế giới chính thức quyết định tổ chức thành sự kiện tại các quốc gia khác nhau trên cơ sở đấu thầu đăng cai. Trải qua 22 năm phát động phong trào hưởng ứng kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới với nhiều chủ đề thiết thực, sự kiện trên ngày càng nhận được nhiều hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ từ các thành viên. Nhiều hoạt động cụ thể được tổ chức, nội dung gắn với việc mang lại lợi ích cho các chủ thể kinh doanh du lịch, khách du lịch, các nhà quản lý du lịch, cộng đồng dân cư địa phương, và cả những đối tượng tham gia các hoạt động liên quan tới du lịch,... Thông qua đó, đã góp phần đáng kể vào việc củng cố và nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về ý nghĩa và vị trí thực sự của ngành du lịch trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Những hoạt động đó bao gồm: Lễ kỷ niệm chính thức, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề du lịch; tổ chức các cuộc thi viết về du lịch, tranh, ảnh, phim về du lịch; tổ chức các buổi hòa nhạc, liên hoan, hội chợ và diễu hành hưởng ứng hành động vì du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, các điểm vui chơi, giải trí, các cơ sở dịch vụ áp dụng chính sách giảm giá dịch vụ, miễn phí vào cửa, phát quà tặng cho khách du lịch. Đồng thời, vận động khách du lịch hưởng ứng đề cao tinh thần trách nhiệm khi đi du lịch.
Năm 2013 thế giới đã và đang chứng kiến nhiều biến động, thay đổi trên mọi phương diện, tác động không nhỏ tới ngành du lịch toàn cầu nối chung và mỗi quốc gia nói riêng. Hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc, hãy chung tay hành động vì sự bền vững nguồn tài nguyên nước, một trong những Mục tiêu Thiên niên kỷ toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới, Tổ chức Du lịch thế giới sẽ phát động kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới với chủ đề “Du lịch và Tài nguyên nước: Hãy chung tay bảo vệ tương lai của chúng ta.”. Đối với ngành du lịch, nguồn tài nguyên nước luôn được coi là một trong những tài sản quý báu nhất. Cứ mỗi năm có hàng triệu người đi du lịch khắp nơi trên thế giới và sử dụng khối lượng đáng kể nước trong mỗi chuyến đi. Nước duy trì sự tồn tại và phát triển đối của ngành du lịch, từ hoạt động khách sạn, nhà hàng tới hoạt động vui chơi giải trí và vận chuyển khách du lịch,... Là một trong những ngành kinh tế lớn nhất trên thế giới, du lịch luôn tiên phong trong việc hưởng ứng triển khai các sáng kiến của Liên hợp quốc, tích cực vận động mọi chủ thể hoạt động du lịch tham gia quản lý việc sử dụng tiết kiệm hiệu quả thông qua những hành động thiết thực như: tiết kiệm nước khi sử dụng nhà vệ sinh, nhà tắm; tăng cường quản lý, giám sát chống dò rỉ, thất thoát nước, áp dụng các biện pháp và công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải sinh hoạt tại các cơ sở dịch vụ du lịch, các khách sạn, nhà hàng,... Thực hiện tốt việc này, du lịch sẽ góp phần mang lại lợi ích to lớn, thiết thực cho cộng đồng dân cư cũng như vào việc bảo vệ giữ gìn nguồn tài nguyên nước nói chung.
Có thể khẳng định, du lịch ngày càng được xem là một trong những ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thế giới và đóng vai trò to lớn, ý nghĩa vào sự phát triển bền vững chung của tương lai nhân loại, trong đó bao gồm cả sự bền vững cho ngành kinh tế khác, như ngành công nghiệp nước là ví dụ điển hình. Như vậy, du lịch không chỉ thuần túy được coi là ngành tiêu thụ nhiều nước mà cũng góp phần không nhỏ vào việc kêu gọi, vận động hưởng ứng hành động bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá ngày càng trở nên khan hiếm này. Với hành động theo hướng trên, có thể thấy du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc hưởng ứng hành động thiết thực của Liên hợp quốc. Và hiệu ứng không chỉ dừng lại ở việc như vậy, đến lượt ngành du lịch cũng được hưởng lợi từ những hành động thường chỉ được xem là tiếp sức, nhưng vô cùng hữu ích cho các ngành liên quan, đúng như phát biểu của Ngài Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới: “Trong các lĩnh vực, du lịch là ngành luôn tiên phong hưởng ứng vì sự phát triển bền vững”, và “phát triển bền vững đã mang lại không ít thành quả cho mọi cộng đồng dân cư, xã hội, đó là tạo thêm nhiều việc làm và không ngừng nâng cao mức sống, phúc lợi cho xã hội.”Hưởng ứng tinh thần “Ngày Du lịch thế giới 2013”, thiết nghĩ mọi chủ thể trực tiếp cũng như gián tiếp trong ngành du lịch cấp quốc gia, địa phương, doanh nghiệp hay cộng đồng dân cư, trong điều kiện và khả năng thực tế, cần chủ động nghiên cứu đưa ra những sáng kiến và phối hợp triển khai những kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả và với tầm nhìn dài hạn, để du lịch ngày càng trở thành sự quan tâm chung và ủng hộ tích cực của toàn xã hội.
Phạm Quang Hưng