Thực hiện quyết định số 1254/QĐ-SVHTTDL ngày 05/8/2013 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chỉ định thực hiện chương trình “Phục dựng lễ hội xuống đồng của người Khmer Bình Phước” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2013.
Bảo tàng tỉnh Bình Phước phối hợp với Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lộc Ninh, UBND xã Lộc Khánh, các cơ quan chuyên môn và các nhà nghiên cứu tiến hành phục dựng lễ hội xuống đồng của người Khmer Bình Phước.
Lễ hội xuống đồng tiếng Khmer gọi là Sen Đây S’re, hay còn được gọi là lễ cúng ruộng, lễ cúng xuống giống. Cùng với lễ hội phá bàu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội xuống đồng là một trong những lễ hội truyền thống trong sản xuất nông nghiệp của người Khmer Bình Phước. Để tiến hành lễ hội xuống đồng, người Khmer Bình Phước phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Chọn giống, chọn và làm đất gieo mạ, làm đất cấy, chuẩn bị lễ vật và tiến hành lễ hội. Theo truyền thống của người Khmer Bình Phước, mỗi gia đình thường làm chòi tại thửa ruộng của mình để nghỉ ngơi, trông nom hoa màu… đây cũng chính là địa điểm tổ chức lễ hội của từng gia đình. Trước khi tổ chức lễ hội, chủ ruộng không biết các nghi thức nghi lễ cúng xin thần linh sẽ mời một người trong sóc (ấp) biết thực hiện các nghi lễ trong lễ xuống đồng (thường là già làng hoặc là người lớn tuổi trong sóc, ấp) và mời các chủ ruộng bên cạnh ruộng của mình cùng tham dự lễ xuống đồng của gia đình mình. Lễ vật chuẩn bị cho lễ xuống đồng gồm có một con gà luộc, trầu cau và cơm nếp, sau ba năm sẽ tiến hành cúng đầu heo. Thời gian tiến hành lễ hội được lựa chọn theo ngày tốt của chủ ruộng (theo quan niệm của người Khmer, khi sinh ra mỗi người có một ngày tốt).
Lễ hội xuống đồng là lễ hội truyền thống của người Khmer Bình Phước mang tính cộng đồng cao, thể hiện giá trị văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Qua việc thực hiện lễ hội, các giá trị văn hóa của cư dân được bảo tồn và phát huy giá trị. Các giá trị tiêu biểu về văn hóa tinh thần của cộng đồng được thể hiện qua việc duy trì tục Vần Công trong cộng đồng, duy trì các nghi thức nghi lễ truyền thống, việc trao đổi kinh nghiệm về hoạt động sản xuất nông nghiệp… Từ đó tạo ra sự đoàn kết gắn bó, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất và trong đời sống hàng ngày hướng đến một cuộc sống ấm no, cộng đồng ổn định, xã hội văn minh.
Ngày nay, khi đời sống dân cư ngày càng được ổn định, cùng với quá trình phát triển của nhiều loại hình kinh tế khác nhau như trồng cây công nghiệp, trồng các loại cây ăn trái, rau quả và nhu cầu về nhà ở khi dân số của cư dân tăng theo thời gian đã làm giảm diện tích trồng lúa nước và các hình thức canh tác trong việc trồng lúa nước có thêm hình thức xạ lúa… Do đó lễ hội xuống đồng của người Khmer Bình Phước đang bị mai một.
Để tránh sự mai một của lễ hội trong thời gian tới, việc phục dựng lễ hội xuống đồng là việc làm cấp bách để lưu giữ và phục hồi lại các giá trị văn hóa tinh thần mang tính cộng đồng của cư dân Khmer Bình Phước. Do đó, việc tổ chức phục dựng lễ hội xuống đồng của người Khmer Bình Phước là một hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân này.
Chương trình phục dựng lễ hội được tiến hành trong thời gian từ ngày 02 đến ngày 04 tháng 10 năm 2013 tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Nội dung phục dựng lễ hội gồm hai phần chính là truyền dạy và phục dựng nguyên trạng theo truyền thống của lễ hội tại thực địa. Việc truyền dạy do các vị già làng và những người có hiểu biết về lễ hội thực hiện truyền đạt lại cách thức tổ chức cũng như ý nghĩa của lễ hội cho các thế hệ người Khmer trên địa bàn xã Lộc Khánh và các xã lân cận như Lộc Hưng, Lộc Điền, Lộc Thịnh… có người Khmer sinh sống. Phần lễ hội chính được phục dựng theo phương án phục dựng nguyên trạng, các nội dung cơ bản của lễ hội truyền thống được tổ chức trên cánh đồng ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh với các nghi thức nghi lễ cột mạ, cúng thần linh và cấy lúa theo truyền thống của người Khmer Bình Phước.