Hướng tới Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015 - nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Cập nhật: 17/12/2013
Căn cứ vào quan điểm và mục tiêu hướng tới Năm du lịch Quốc gia 2015, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tham mưu cho tỉnh đề ra một số giải pháp, mục tiêu trong phát triển du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới.

Theo dự báo, các chỉ tiêu phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, mức tăng trưởng của ngành du lịch được tính theo 3 phương án, trong đó phương án 3 (phương án cao nhất) tốc độ tăng trưởng du lịch giai đoạn 2011 - 2015 là 22,49%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 22,64%/năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giai đoạn 2006 – 2012, toàn tỉnh đã đón 17,5 triệu lượt khách với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 29%/năm. Riêng năm 2012 đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách. Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc đó, mục tiêu đến năm 2015 sẽ đón 5 triệu lượt khách nội địa, 110 nghìn lượt khách quốc tế với doanh thu đạt khoảng 3.300 tỷ đồng. Đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015 cũng như để phù hợp với tình hình phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh ta đã đề ra một số mục tiêu cũng như giải pháp quan trọng.

Trước hết là việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đó là 2 yếu tố then chốt để tạo ra tính đột phá của du lịch Thanh Hóa trong hành trình hướng tới Năm du lịch Quốc gia cũng như trong tương lai. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển đa dạng hóa loại hình du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế thực sự có thế mạnh của tỉnh trên cơ sở phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất sẵn có, phát triển du lịch làm động lực thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, giúp chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đồng thời phát triển du lịch hài hòa giữa các khu vực của tỉnh. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển, khai thác các giá trị đặc sắc của các huyện miền núi phía Tây, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giảm dần khoảng cách giữa khu vực miền núi và đồng bằng.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về du lịch. Qua đó sẽ huy động các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội và toàn thể cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch dưới sự quản lý, thống nhất của Nhà nước.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển du lịch bền vững được đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng trong khu vực và cả nước. Đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình; phát triển du lịch gắn với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch và có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành trong tỉnh nhằm hỗ trợ, tác động lẫn nhau cùng phát triển. Chú trọng phát triển mạnh du lịch biển, với sản phẩm chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch văn hóa tâm linh và văn hóa sinh thái cộng đồng. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tập trung giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh dưới nhiều hình thức đến với du khách. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch. Xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thân thiện, mến khách không chỉ đối với những người trực tiếp làm du lịch mà còn đối với cả cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh đó là xây dựng các chính sách ưu đãi, quan tâm để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Thanh Hóa. Coi đây là yếu tố quan trọng để biến du lịch Thanh Hóa không chỉ ở dạng tiềm năng mà sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Báo VH&ĐS Thanh Hóa