Tái hiện lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 18/02/2014
Lễ bắt chồng còn được xem như một việc đại sự của cả dòng họ và chiếc nhẫn thành tín vật chung cho hai nhà.

Mỗi năm, mùa bắt chồng các đồng bào Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung được bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba.

Nhân dịp xuân Giáp Ngọ 2014, đồng bào Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) đã về với “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và tái hiện “Lễ hội bắt chồng” độc đáo này.

Theo phong tục, khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng".

Tín vật linh thiêng nhất của lễ hội chính là cặp Srí (cặp nhẫn cưới), với bao điều huyền diệu đậm bản sắc Tây Nguyên. Cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời, gọi là đêm thiêng.

Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...".

Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.

Những nét văn hóa độc đáo này hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên. Tập tục “bắt chồng” cho đến nay vẫn được người Chu-ru duy trì. Đồng bào cho rằng nếu tổ chức đám cưới đàng hoàng theo đúng nghi lễ thì rất tốn kém. Nhiều gia đình cưới chồng cho con xong thì mang nợ nần chồng chất, nhà trai hưởng cái của cưới ấy cũng chẳng vui thú gì khi thấy con cái quanh năm còng lưng làm trả nợ. Ngay cả chính quyền nhiều địa phương cũng châm chước cho ‘’đêm thiêng’’ diễn ra rồi hôm sau lên UBND xã đăng ký kết hôn.

Tái hiện “Lễ hội bắt chồng” nói riêng, các lễ hội của cộng đồng 54 dân tộc nói chung tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa giới thiệu tới du khách đồng thời góp phần hoàn thiện không gian văn hoá của “Ngôi nhà chung” đồng thời thu hút du khách đến với công trình văn hoá hết sức ý nghĩa này./.

Báo Làng Việt