Đảo Dấu - Đồ Sơn thu hút ngày càng đông người dân, du khách đến tham quan, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh ý nghĩa trên đảo. Đặc biệt, từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm diễn ra Lễ hội đảo Dấu, người dân địa phương và du khách có thể tham gia các nghi lễ truyền thống độc đáo của quần thể danh thắng quốc gia Hòn Dấu, nơi chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, cảnh quan.
Hoàn thành tôn tạo ngôi đền thiêng
Với diện tích 12ha, đảo Dấu có thể coi là hòn đảo có mật độ công trình di tích, di sản, danh thắng lớn nhất miền Bắc. Đảo Dấu được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 2009. Quần thể 37 cây đa búp đỏ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ngoài đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương, trên đảo bảo tồn được các di tích phản ánh truyền thống tín ngưỡng của ngư dân miền biển như đền bà chúa Phương Nam, đền Mẫu, miếu thờ, nhà Tế… Trên đảo Dấu, ngọn Hải đăng Hòn Dấu hơn 100 năm tuổi là di tích lịch sử về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Danh thắng quốc gia đảo Dấu với cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn nguyên vẹn, bao gồm các cây cổ thụ, thảm thực vật xanh ngát trên đảo.
Một trong những công trình, di tích mới nhất được hoàn thành trên đảo là đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương. Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Trung Hiếu cho biết, đây là ngôi đền thiêng đối với người dân Đồ Sơn và ngư dân miền Duyên hải Bắc Bộ, bởi ngôi đền là hiện thân của đời sống tinh thần, tâm linh và trở thành tập quán, tín ngưỡng gắn với lễ hội đảo Dấu. Đến nay, quận chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận Đồ Sơn và các đơn vị liên quan triển khai thi công xong hạng mục kè biển, san lấp mặt bằng và hạng mục đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương với giá trị hoàn thành khoảng 20 tỷ đồng. Các công trình, hạng mục trên được triển khai trong điều kiện ngoài đảo sóng gió, cách trở với đất liền, khó khăn về kinh phí, phương thức thi công. Cụ thể, thời tiết mưa to dài ngày; thiết bị, máy móc, nhân công, nguyên vật liệu phải chuyển từ đất liền ra đảo. Mặt khác, các đơn vị thi công theo con nước, nhất là phải thi công móng kè ở dưới nước biển có độ sâu từ 3,5 đến 4m. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện các công trình theo đúng thiết kế được phê duyệt, đúng tiến độ, đạt thẩm mỹ cao và được nghiệm thu, bàn giao đưa vào phục vụ lễ hội đảo Dấu năm 2014.
Theo Bí thư Quận ủy Đồ Sơn Đinh Duy Sinh, đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương và một số công trình phụ trợ được hoàn thành với kiến trúc đẹp, khang trang, bước đầu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tham quan của nhân dân địa phương và du khách trong nước, quốc tế đến với Đồ Sơn. Tuy nhiên dự án còn nhiều hạng mục khác, với tổng mức đầu tư hơn 78 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động xã hội hóa là hơn 65 tỷ đồng. Trong khi, đến nay mới tiếp nhận được nguồn huy động xã hội hóa của các tập thể, cá nhân ủng hộ là 4,2 tỷ đồng. Do vậy, ngoài việc thành phố xem xét bố trí cấp nguồn vốn ngân sách 13 tỷ đồng, quận Đồ Sơn tiếp tục kêu gọi sự đóng góp công đức của tập thể, cá nhân để dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo đền thờ Đức Nam Hải Đại Thần Vương được triển khai thuận lợi.
Nỗ lực tổ chức lễ hội văn minh, an toàn
Lễ hội đảo Dấu đang đến gần với những nghi thức và hoạt động văn hóa tín ngưỡng phong phú, dự báo thu hút hàng vạn lượt người ra đảo dự hội và tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp văn hóa tâm linh trên đảo. Do vậy, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức, đón tiếp người dân, du khách được quận Đồ Sơn đặc biệt chú trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân về dự hội. Theo Đại tá Đinh Đình Thanh, Trưởng Công an quận Đồ Sơn, Công an quận xây dựng kế hoạch triển khai các lực lượng bảo đảm an toàn cho người dân, du khách về dự hội. Theo đó, quận tiến hành kiểm tra 12 tàu du lịch đăng ký tuyến Bến Nghiêng - Đảo Dấu. Ngày khai hội 1/3 (tức ngày 1/2 âm lịch), Công an quận huy động 100% quân số, chuẩn bị phương tiện, phối hợp các đơn vị chức năng chốt điểm, kiểm tra, phân luồng và bảo đảm an toàn trên bờ, dưới biển và trên đảo. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND phường Vạn Hương Đinh Xuân Nguyên, phường tổ chức lực lượng tạo đường ngăn cản lửa phòng cháy, làm sạch môi trường đảo Dấu... trước khi diễn ra lễ hội.
Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Đình Bình cho biết: quận giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị trong việc lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn giao thông thủy trên các tuyến tàu du lịch ra đảo; công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, các ngành chức năng kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng của các tàu du lịch phục vụ người dân, du khách ra đảo với yêu cầu kiên quyết không cho xuất bến các tàu chở quá số người quy định, không trang bị đủ số áo phao cũng như điều kiện PCCC. Đặc biệt, kiên quyết loại bỏ, không cho phép hoạt động đối với những tàu không bảo đảm chất lượng, an toàn cho du khách và tăng cường quản lý lễ hội, không để diễn ra các hoạt động mê tín dị đoan, đốt vàng mã, nấu ăn không đúng nơi quy định, làm mất mỹ quan, gây nguy cơ cháy nổ trên đảo... góp phần tổ chức thành công lễ hội đảo Dấu Xuân Giáp Ngọ.