Ngày 10/3/2007, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Ngày hội tre trúc khu vực sông Mê Kông” với sự tham gia của nghệ nhân đến từ 5 quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông là Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Tại đây, 14 nghệ nhân trực tiếp ngồi đan và giới thiệu về các dụng cụ đánh bắt thủy sản bằng tre, trúc trong các ngôi nhà truyền thống người Kinh, Êđê, Bana, Tày. Khách tham quan, sinh viên, học sinh có cơ hội tìm hiểu, giao lưu với các nghệ nhân, trực tiếp tham gia đan các dụng cụ đánh bắt cá.
Người dân lưu vực sông Mê Kông đã biết sử dụng các loại tre, trúc, nứa để làm ra nhiều vật dụng và công cụ lao động từ xa xưa. Nghề thủ công tre trúc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cư dân ở những vùng này. Cho đến nay, người dân lưu vực này vẫn duy trì nghề đan dụng cụ đánh bắt cá tôm bằng tre trúc, cho dù nhiều dụng cụ đánh bắt hiện đại đã ra đời.
Bằng đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, họ đã làm ra nhiều loại sản phẩm với tên gọi và công dụng khác nhau, từ những đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày cho đến những dụng cụ đánh bắt thủy sản, nhạc cụ, đồ chơi cho trẻ em, vật dụng phục vụ nghi lễ và sinh hoạt tín ngưỡng, hàng thủ công mỹ nghệ.
Những nét tương đồng về truyền thống và những đặc trưng riêng về nghề đan lát của cư dân các nước thuộc vùng sông Mê Kông được thể hiện qua nghề đan dụng cụ đánh bắt cá của người Lào ở Thái Lan, người Khơ Mú ở Lào, người Khơme ở Campuchia, người Việt ở Đồng Tháp, người Thái Đen ở Điện Biên, nghề đan thuyền thúng của người Việt ở Cần Thơ, nghề đan gùi của người Bana ở Kon Tum (Việt Nam), nghề làm vật dụng bằng tre của người Thái ở Vân Nam (Trung Quốc).
Ngày hội tre trúc khu vực sông Mê Kông là một trong những hoạt động thuộc chương trình Lễ hội đời sống dân gian Smithsonian 2007 mang tên "Mê Kông - dòng sông kết nối các nền văn hóa" sẽ diễn ra tại Thủ đô Oasinhtơn (Mỹ) vào cuối tháng 6 năm nay.