Lễ thượng cờ đầu tiên trên đỉnh Nghĩa Lĩnh ngày Giỗ Tổ
Cập nhật: 08/04/2014
Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng của ý chí độc lập, tự chủ, chiến thắng giặc ngoại xâm, được cắm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ) đúng vào ngày Giỗ Tổ năm 1946.  

Cụ Hà Thế Mậu, 87 tuổi, trú tại phường Vân Phú, thành phố Việt Trì vẫn nhớ như in những công việc chuẩn bị cho lễ thượng cờ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946.

Công việc chuẩn bị cho lễ thượng cờ, đón đoàn đại biểu của Chính phủ lên Đền Hùng dự lễ Giỗ Tổ năm 1946 được giao cho hai trung đội quân dân tự vệ xã Phú Nang, nay là Vân Phú và Vân Luông, huyện Hạc Trì, thành phố Việt Trì ngày nay.

Trong đó, cụ Mậu thuộc đội hình của đội dân quân tự vệ xã Phú Nang. Cụ cùng đội dân quân tự vệ lên Đền Hùng từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch để khảo sát, chọn địa điểm dựng cờ, chuẩn bị phương tiện cho lễ thượng cờ, tập dượt đội hình "hàng rào danh dự" để đón và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đoàn đại biểu Chính phủ và đồng bào về dự lễ Giỗ Tổ. Công việc chuẩn bị cho lễ thượng cờ được thực hiện rất khẩn trương, nghiêm túc...

Cụ Hà Thế Mậu kể lại để bảo đảm bí mật, bất ngờ trước âm mưu và hành động gây rối lúc bấy giờ, đội dân quân tự vệ đã phải tiến hành đồng thời hai phương án, một mặt công khai chuẩn bị cho lễ thượng cờ tại đồi Cung Quán; một mặt bí mật chuẩn bị một vị trí khác trên mô đất cao (nơi này hiện đã được xây Bảo tàng Hùng Vương).

Công việc chuẩn bị, tập dượt và bảo vệ phương án dự phòng chỉ thực hiện vào ban đêm. Đội dân quân tự vệ đã dựng lán trại ngay bên cạnh vị trí dựng cột cờ; đất đào hố dựng cột cờ được đưa đi xa khỏi khu vực. Đồng thời, lực lượng tự vệ của ta vẫn tiến hành tập dựng cờ tại vị trí trên đồi Cung Quán và tập dượt phương án bảo vệ.

Đêm mùng 9/3, lực lượng tự vệ của ta đã dùng hai thang tre và cột cờ để dựng thử ở vị trí dự phòng...

Sáng 10/3, khoảng 10h, xe của đoàn đại biểu Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu lên đến ngã ba lối rẽ vào đền Giếng, đội quân danh dự của ta đã chốt giữ ở đó long trọng đón đoàn.

Cùng lúc đó, lực lượng tự vệ ta khẩn trương dựng cờ ở vị trí dự phòng. Khi đoàn đại biểu Chính phủ lên đến cổng đền, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trước gió, tại vị trí cao đẹp, trang trọng.

Lễ thượng cờ ngày Giỗ Tổ 10/3/1946 diễn ra suôn sẻ, long trọng, nghiêm trang trong không khí yên bình. Đây là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, rồi mời bà con cùng lên Đền Hùng thắp hương mộ Tổ.

Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại.

Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được cắm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh tại Đền Hùng, đã khẳng định dân tộc Việt Nam là nước có cội nguồn, có truyền thống văn hóa lâu đời.

Từ đó đến nay, cứ đến ngày 10/3 âm lịch hàng năm, người dân cả nước cùng hướng về đất Tổ Phú Thọ. Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng đại, ngày hội chung của cả dân tộc./. 

Vietnam+