Cù Lao Chàm - điểm sáng về bảo tồn đa dạng sinh học
Cập nhật: 06/06/2014
Nằm cách đất liền hàng chục km, điều kiện sống của người dân còn gặp không ít khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn... nhưng nhờ sự nỗ lực, đồng thuận giữa chính quyền và người dân, Cù Lao Chàm được đánh giá là địa điểm du lịch hấp dẫn với môi trường sinh thái đa dạng mang tính bền vững.
 

Cù Lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam với 8 đảo Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Đảo có 560 hộ dân với khoảng 3.000 người.

Tại Cù Lao Chàm có hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Khu rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao...

Chính vì sự phong phú, đa dạng sinh học nên hàng năm, Cù Lao Chàm đón khá nhiều khách du lịch đến đây tham quan, lưu trú. Tuy nhiên, khi lượng khách đến khá đông, nhiều hiện tượng tiêu cực đã xảy ra như vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là rác thải vô cơ, rất khó phân hủy; xâm phạm đến hệ sinh thái rừng cũng như sự đa dạng sinh học biển...

Thậm chí nhiều du khách còn muốn thưởng thức những món đặc sản là những động, thực vật quý hiếm sinh sống trên Cù Lao Chàm..., gây ra nguy cơ tuyệt chủng các loài động, thực vật quý hiếm.

Anh Phạm Minh Hải, trú thôn Bãi Ông cho biết trước đây, người dân Cù Lao Chàm chủ yếu sống bằng nghề biển, khai thác yến sào và nghề rừng... Tuy nhiên, khi lượng khách du lịch đến đây tăng đột biến thì nhiều người dân đã vì lợi nhuận mà “tiếp tay” cho du khách hủy hoại môi trường. Họ đã bắt và bán cua đá - một loại động vật quý hiếm, hoặc khai thác san hô làm kỷ niệm, thậm chí một số người dân còn liều lĩnh dẫn đường cho du khách đi săn.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo thành phố Hội An đã đề ra những giải pháp tích cực nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học trên vùng đảo Cù Lao Chàm. Thành phố đã xúc tiến thành lập Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm để quản lý, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái trong vùng.

Ngay sau khi thành lập, cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với Viện hải dương học Nha Trang phục hồi rạn san hô cứng. Cán bộ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng đã vận động người dân nói không với túi ni lông và tiến hành phân loại rác tại nguồn. Đến nay, 100% hộ dân sinh sống trên đảo không còn dùng túi ni lông trong sinh hoạt thường ngày. Do đó, ngày 26/5/2009, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công nhận Cù Lao Chàm - Hội An là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bà Trần Thị Hồng Thúy, phó trưởng Ban thường trực Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An cho biết thời gian qua, với sự quản lý của lãnh đạo cùng với sự đồng thuận của người dân địa phương, công tác bảo vệ tài nguyên - môi trường, đặc biệt là các giá trị của rạn san hô, thảm cỏ biển, đa dạng sinh học đã từng bước được quản lý, bảo vệ và không ngừng phát triển; đem lại không gian xanh, sạch hơn cho điểm du lịch Cù Lao Chàm.

Không gian sạch, môi trường thân thiện, sản vật dồi dào đã khiến Cù Lao Chàm trong thời gian gần đây được xem như là “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong năm 2013, tổng lượt khách đến tham quan đảo đạt gần 170.000 lượt người, trong đó lượng khách quốc tế chiếm hơn 1/3.

Chính quyền xã Tân Hiệp đã hướng dẫn người dân cách làm du lịch bền vững, gắn với bảo tồn sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo. Toàn xã đảo hiện có gần 100 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ông Trần Tấn Dũng, bí thư xã đảo Tân Hiệp cho biết những năm gần đây, đời sống của người dân trên đảo được nâng lên rõ rệt; thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm. Năm 2013, tổng thu của xã đạt 62 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại chiếm tỷ trọng cao.

Đối với lĩnh vực ngư nghiệp, nhờ giá trị thương phẩm cao, ngư dân linh hoạt trong tổ chức sản xuất theo từng vụ cá nên thu nhập ổn định. Tổng sản lượng hải sản khai thác trong năm 2013 của đảo đạt 900 tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu đạt gần 700 tấn.

Ông Lê Văn Giảng, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An cho biết lượng khách đến Hội An nói chung và Cù Lao Chàm nói riêng khá đông nên việc bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực tuyên truyền, giải thích và nhất là sự đồng thuận của người dân nên đến nay, bước đầu công tác bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học đã có bước tiến đáng kể.

Ông Giảng cho biết trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục giải thích cho người dân, các doanh nghiệp lữ hành hiểu rằng bảo vệ môi trường đa dạng sinh học của Cù Lao Chàm tức là bảo vệ “nguồn sống” của chính họ.

Vietnam+