(TITC) - Nằm trong quần thể các công trình văn hóa khu vực Cột 3 (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh là một trong những công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2013). Với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh trở thành sản phẩm du lịch mới, thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan.
Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh nhìn từ bên ngoài
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo, Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh tọa lạc trên tổng diện tích gần 24.000m² với tổng vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng, bao gồm 3 khối nhà được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cầu trên cao là bảo tàng, thư viện và khu vực hội thảo, trưng bày. Lấy ý tưởng từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh, cụm công trình như một biểu tượng trên con đường ven biển đẹp nhất Hạ Long. Đặc biệt, tòa nhà được lắp 14.000m² kính bán cường lực có khả năng chống tự vỡ do biến đổi nhiệt. Bằng những thủ pháp kiến trúc táo bạo, công trình như một tấm gương khổng lồ phản chiếu hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Các cột trưng bày dạng ống núi tại khối nhà bảo tàng
Ngay khi bước vào tầng trệt của khối nhà bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ xương cá voi và mô hình thuyền buồm. Tầng 1 bố trí các cột trưng bày dạng ống núi được làm từ những chất liệu hiện đại như hệ khung thép, lan can kính cường lực và đặc biệt là lớp vải bao phủ in hình ảnh núi đá vịnh Hạ Long kết hợp với công nghệ trình chiếu ánh sáng tạo hiệu ứng nước khiến du khách có cảm giác như đang đi trong không gian vịnh Hạ Long thu nhỏ. Tầng 2 của khối nhà thiết kế theo mô hình con thuyền bằng gỗ nhằm giới thiệu Quảng Ninh qua các thời kỳ tiền sử, sơ sử, chiến thắng Bạch Đằng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tại tầng 3, du khách sẽ được tham quan không gian trưng bày các thành tựu kinh tế, bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc tỉnh Quảng Ninh; những hình ảnh Bác Hồ về thăm và làm việc tại Quảng Ninh; những hiện vật được sử dụng trong hoạt động khai thác mỏ, đặc biệt là ngành than qua mô phỏng hệ thống hầm lò khai thác than với những cột gỗ, vì kèo, xe kéo,… nhằm giúp người xem có những trải nghiệm thực tế về ngành công nghiệp này.
Phòng đọc dành cho thiếu nhi
Bên cạnh khối nhà bảo tàng, khối nhà thư viện cũng được thiết kế theo phong cách hiện đại, trong đó, tầng trệt là nơi lưu trữ sách, báo, tạp chí với trên 100.000 đầu sách thuộc đủ các lĩnh vực. Tầng 1 gồm phòng hội nghị, hội thảo, phòng hoạt động cho trẻ, phòng dạy trẻ đọc sách, phòng chiếu và sân khấu, không gian cafe… Trong đó, khu vực dành cho thiếu nhi được thiết kế 3 hình oval liên hoàn: oval 1 trưng bày sách báo thiếu nhi, oval 2 và 3 là nơi các em có thể tập thuyết trình, xem phim, vẽ tranh… Tầng lửng có phòng đọc doanh nhân, phòng trưng bày triển lãm sách báo, phòng đọc tạp chí, kho sách ngoại văn, kho sách luân chuyển, kho tra cứu, kho tài liệu đặc biệt và phòng Internet. Tầng 2 gồm phòng đọc tổng hợp, phòng đọc dành cho người khuyết tật, kho tài liệu tổng hợp với trên 200.000 đầu sách và phòng hội thảo trên 60 chỗ ngồi.
Được kết nối với các điểm du lịch như cụm di tích và danh thắng núi Bài Thơ (núi Bài Thơ, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, chùa Long Tiên), khu nhà thờ xứ Hồng Gai, tổ hợp thương mại và giải trí Hạ Long Marine Plaza, trung tâm thương mại Vincom Center Hạ Long…, Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh là sản phẩm du lịch đặc sắc chứa đựng các giá trị về đời sống sinh hoạt, sản xuất và lao động hàng ngày của người dân địa phương. Đến Hạ Long, du khách vừa có dịp tham quan các điểm di tích, công trình văn hóa, vừa tham gia các hoạt động giải trí và mua sắm cũng như trải nghiệm cuộc sống của người dân thành phố.
Hiện Bảo tàng – Thư viện Quảng Ninh mở cửa đón khách tham quan từ 9h00 đến 11h30 và 14h00 đến 18h00 các ngày thứ 3 đến thứ 7 hàng tuần. Công trình đã và đang góp phần vào sự nghiệp quảng bá và phát triển văn hóa, du lịch Quảng Ninh tới du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Phạm Phương