Cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với du lịch Ninh Bình. Cố đô Hoa Lư là Kinh đô của Việt Nam từ năm 968 đến 1010 với ba triều đại liên tiếp Đinh, Tiền Lê, Lý.
Chỉ với 42 năm tồn tại, nhưng Kinh đô Hoa Lư đã để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, với sự hiện hữu của những di tích, khảo cổ hiện còn lưu giữ đến ngày nay và khu Du lịch sinh thái Tràng An chứa đựng những giá trị quý giá về văn hóa và sinh thái, một bức tranh thiên nhiên sinh động và hấp dẫn.
Nhằm xác định giá trị về văn hóa, lịch sử của Cố đô Hoa Lư và khu Du lịch sinh thái Tràng An, đặc biệt là những yếu tố có giá trị nổi bật toàn cầu làm căn cứ khoa học để xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên Thế giới, ngày 17/10, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về “Giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tràng An”.
Tham dự hội thảo có ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Trần Hữu Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; Giáo sư Tiến sỹ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL; Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Cục trưởng cục Di sản; đại diện lãnh đạo, công chức, viên chức của nhiều đơn vị thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, Hội DSVH Việt Nam; Lãnh đạo và chuyên viên đang công tác ở các Sở, Ban ngành của tỉnh Ninh Bình; nhiều giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học trong nước về lĩnh vực văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, kiến trúc; đại diện nhiều công ty lữ hành quốc tế; phóng viên biên tập viên của nhiều cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương.
Khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Bình nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử của Cố đô Hoa Lư và khu Du lịch sinh thái Tràng An đã được Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; các Bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học quan tâm, giúp đỡ trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa, khai thác các tài nguyên du lịch phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và mong muốn những giá trị này sớm được xây dựng hồ sơ đệ trình để UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Ông Trần Chiến Thắng đã phát biểu ý kiến, khẳng định cuộc Hội thảo là quan trọng và có ý nghĩa để nhìn nhận khách quan, trung thực về Cố đô Hoa Lư, từ đó có những căn cứ xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Thế giới. Để giữ được những giá trị văn hóa, thiên nhiên hiện có, tỉnh Ninh Bình cần đẩy mạnh triển khai xây dựng các hạng mục bảo tồn, khoanh vùng bảo vệ di sản, đảm bảo môi trường cảnh quan và chủ động, tích cực hoàn thiện hồ sơ công nhận Cố đô Hoa Lư xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và tiến tới lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản Thế giới, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hội thảo đã có 20 tham luận, 18 ý kiến tâm huyết của các giáo sư, tiến sỹ, các vị đại biểu nhằm xác định các giá trị văn hóa, lịch sử của Cố đô Hoa Lư và khu Du lịch sinh thái Tràng An, nhất là những yếu tố có giá trị nổi bật toàn cầu làm căn cứ khoa học để xây dựng hồ sơ trình UNESSCO công nhận là Di sản Văn hoá - Thiên nhiên Thế giới.