Bảo tồn, phát huy di sản thế giới - quần thể danh thắng Tràng An
Cập nhật: 07/01/2015
Nằm ở phía nam Đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400km² với địa hình đa dạng, kết hợp hài hòa giữa rừng núi, sông hồ, đất ngập nước, đồng bằng và vùng ven biển, tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên với những hệ sinh thái độc đáo.
 

Trong quy hoạch phát triển vùng kinh tế duyên hải Bắc bộ, tỉnh Ninh Bình được Chính phủ định hướng phát triển thành trung tâm du lịch của cả nước với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia.

Giá trị nổi bật toàn cầu

Tại kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra cuối tháng 6/2014, tại Doha-Qatar, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Đây là một trong 31 di sản hỗn hợp của thế giới, là di sản hỗn hợp thứ 11 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Quần thể Danh thắng Tràng An là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, phân 3 vùng rõ rệt gồm Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư; trong đó Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. 

Quần thể Danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha nằm trong sơn khối đá vôi Tràng An và có vùng đệm bao quanh với diện tích 6.268/ha, bao gồm hầu hết là các ruộng lúa.

Dân số trong vùng di sản và vùng đệm khoảng 35.000 người, chủ yếu là nông dân. Trên thực tế, phần lớn diện tích của Quần thể danh thắng Tràng An chưa có người ở và trong trạng thái tự nhiên, không có các tác động có hại lên các giá trị văn hóa và tự nhiên.

Khối đá vôi Tràng An thể hiện một cảnh quan karst nhiệt đới, gió mùa ẩm trong những giai đoạn tiến hóa phát triển địa chất cuối cùng và có ý nghĩa toàn cầu. 

Tràng An gồm một loạt các địa hình karst điển hình, nhiều loại đồi tháp ngoạn mục bao quanh bởi hàng loạt các thung lũng và hố sụt kín có các đầm lầy rộng liên kết với nhau bởi một hệ thống sông suối ngầm. 

Được hình thành do kết quả tương tác của một số cấu trúc chính trên trái đất, Tràng An đặc sắc ở chỗ, nơi đây đã bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và hiện nay trở thành đất liền.

Các bằng chứng thuyết phục cho thấy những nhóm người cổ đã thích nghi với những biến đổi cảnh quan của khối đá vôi và đầm lầy xung quanh từ thời kỳ băng hà cuối cùng tới giai đoạn kết thúc - một vài trong số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của hành tinh. 

Nhiều nghiên cứu cho rằng, Tràng An là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn nổi bật về sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi.

Chính những nét đặc trưng riêng có, không thể bị nhầm lẫn với những danh lam thắng cảnh khác trên thế giới, UNESCO đã công nhận Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An với 3 tiêu chí, gồm tiêu chí 5 "Quần thể danh thắng Tràng An là một thí dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với môi trường đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược"; Tiêu chí 7 "Bao hàm những hiện tượng thiên nhiên bậc nhất, hoặc những khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên và tầm quan trọng thẩm mỹ nổi bật"; Tiêu chí 8 "Là thí dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật".

Chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản

Theo ông Lâm Quang Nghĩa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2015, địa phương đã đón khoảng 60.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.

Du khách đến với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An uớc tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Giải đáp câu hỏi "Để sức sống của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng lan tỏa, chúng ta cần phải làm gì?" phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình phải kết hợp đồng bộ giữa việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản trong một khối tổng thể, gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái một cách bền vững.

Theo phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An có 19 di tích cấp tỉnh, 21 di tích cấp quốc gia và 2 di tích quốc gia cấp đặc biệt. 

Toàn bộ những di tích này phải được bảo vệ theo các quy định tại Luật Di sản văn hóa của Việt Nam nhằm đảm bảo giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và cảnh quan thiên nhiên. 

Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình cần vận dụng có hiệu quả các bộ luật khác có liên quan như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản để mọi hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản hoặc những hoạt động có khả năng ảnh hưởng tới giá trị, tính toàn vẹn và xác thực của di sản được địa phương xây dựng thành từng dự án cụ thể, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ban, ngành có liên quan thẩm định kỹ lưỡng trước khi đưa vào triển khai thực hiện.

Ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết hưởng ứng năm du lịch quốc gia - Thanh Hóa 2015 với chủ đề "kết nối các miền di sản", địa phương dự kiến tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An từ ngày 22 - 24/1 theo nghi thức quốc gia nhằm mục đích tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị tiêu biểu của di sản nói riêng, tiềm năng du lịch của Ninh Bình nói chung, qua đó nêu cao truyền thống yêu quê hương, đất nước trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đại diện lãnh đạo các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình cho biết, các nhân tố ảnh hưởng tới giá trị nổi bật của khu di sản đã được nhận diện, trong đó những mối đe dọa trực tiếp tới di sản có thể kể tới như tình trạng khai thác tài nguyên xung quanh khu vực vùng đệm; phát triển giao thông, đô thị và gia tăng dân số; ô nhiễm các dòng sông, suối; lũ lụt; hỏa hoạn; sự gia tăng khách du lịch...

Thời gian tới, 5 địa phương nơi đặt Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An gồm Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan, thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, tăng cường quản lý hoạt động du lịch; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản; quản lý môi trường; quản lý dân cư, cộng đồng địa phương; tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng cư dân sở tại tham gia vào việc quản lý, bảo vệ di sản; ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh việc tuần tra, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trong khu vực di sản.

Hiện Quy chế Bảo vệ Di sản Quần thể danh thắng Tràng An đang được tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng. Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương thực hiện các quy chế theo phân cấp quản lý nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan sinh thái trong khu vực di sản, nhất là khi mùa lễ hội 2015 đang đến gần.

Bên cạnh đó, tăng cường bảo vệ di tích, khai quật khảo cổ, bảo vệ rừng, phát triển du lịch và theo dõi chặt chẽ đối với doanh nghiệp hoạt động trong khu vực di sản nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng lõi di sản và vùng đệm xung quanh.

Vietnam+