Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ở Ninh Bình
Cập nhật: 12/01/2015
Cùng với đất và người, các nghề truyền thống ở Ninh Bình hình thành và lưu tồn đã bao đời nay. Địa bàn tỉnh Ninh Bình vốn có một vị thế địa văn hóa và kinh tế khá đặc biệt. Đây là một vùng đất cực nam đồng bằng Bắc bộ, đa dạng về địa hình: Có rừng núi, bán sơn địa, có đồng bằng, duyên hải, biển khơi. Nhiều nhà khoa học, nhà văn hoá cho rằng địa hình tỉnh Ninh Bình tựa như một miền Bắc Việt Nam thu nhỏ.
 

Theo tài liệu thống kê gần đây của Sở Công thương thì trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 54 làng nghề truyền thống, 275 làng có nghề truyền thống vừa tập trung, vừa rải rác, xen kẽ. Có những nghề truyền thống đã và đang gặp nguy cơ bị mai một, thất truyền. Bên cạnh đó, nhiều nghề truyền thống vẫn lưu tồn và tiếp tục phát triển rất khả quan.

Sức sống, sự lưu tồn của các nghề truyền thống ở Ninh Bình nói riêng, trong cả nước ta nói chung bao giờ cũng phụ thuộc vào những yếu tố khách quan và chủ quan như: truyền thống, tiềm năng, bí quyết nghề nghiệp, nguồn nguyên, nhiên liệu để chế tác sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài địa phương, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã hội, thời đại…

Mỗi nghề truyền thống cổ truyền qua quá trình hình thành, lưu tồn, mở mang bao giờ cũng hàm chứa trong đó những yếu tố làm nên giá trị văn hoá của cá nhân, cộng đồng, dân tộc, nhân loại. Đó chính là: dấu ấn của tổ nghề, sắc thái hay tập quán của địa phương, những bí quyết về kỹ thuật và nghệ thuật chế tác sản phẩm.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, quá trình chế tác nên sản phẩm từ các nghề truyền thống đã và đang có sự hỗ trợ, tác động tích cực của các phương tiện khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, tiên tiến như: điện, cơ khí, hoá chất…

Nghề chế tác các sản phẩm bằng cói (ở huyện Kim Sơn và huyện Yên Khánh) xưa kia hoàn toàn là một nghề thủ công. Đến nay đã có các phương tiện hiện đại trợ giúp như: dụng cụ xuỳ lửa bằng ga để làm sạch xờm cói và hong khô sản phẩm, phẩm màu hoá chất để nhuộm cói, máy làm đất trồng cói, các phương tiện vận chuyển… Nghề thêu ren (tập trung ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư và một số địa phương khác) đã được trang bị máy thêu ren các chủng loại. Nghề chế tác các sản phẩm bằng gỗ ở nhiều địa phương ngày nay đã có máy móc để thao tác các khâu: cưa xẻ, khoan, bào, tiện, mài... giảm thiểu được rất nhiều công sức so với xưa kia.

Nghề khai thác và chế tác đá (tập trung ở vùng Ninh Vân, huyện Hoa Lư) đã có máy khoan đá, cưa xẻ đá dùng năng lượng điện, cần cẩu, máy mài. Đó là sự hỗ trợ vô cùng lớn lao của các phương tiện cơ khí, điện, công nghệ thông tin.

Tuy vậy, các sản phẩm được chế tác ra từ gỗ, đá, đất, cói… từ nghìn năm nay vẫn ghi nhận dấu ấn sáng tạo của con người qua khối óc, bàn tay với sự kiến tạo cần mẫn làm nên các vật dụng, các sản phẩm văn hoá ở mọi nơi. Nhiều sản phẩm được chế tác từ nghề thủ công truyền thống có giá trị cao như: sập gụ, tủ chè, các sản phẩm mỹ nghệ bằng đá, đất hay vàng, bạc thì không thể không qua đôi bàn tay diệu nghệ của những người thợ lão luyện mà máy móc khó thay thế được. Nhiều công trình, sản phẩm bằng đá trên địa bàn trong và ngoài tỉnh cho đến nay vẫn dường như không thể thiếu vắng những nghệ nhân chạm khắc đá người Ninh Vân - Hoa Lư. Chẳng hạn: Công trình tượng đài Trần Hưng Đạo ở tỉnh Hải Dương, công trình tượng đài Quân tình nguyện ở nước bạn Cam pu chia... Cách nay chưa lâu, tác phẩm tượng đá Quan Thế Âm Bồ Tát do những người thợ ở xứ sở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) chế tác bằng đá trắng rồi được vận chuyển ra tận xứ sở của những “bàn tay vàng” Ninh Vân để khắc phục, chỉnh sửa cho được hoàn mỹ.

Để phát huy ngày một tốt hơn nữa những tiềm năng nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành phong trào “Mỗi làng một nghề” theo định hướng chung. Để đẩy mạnh phát triển phong trào này, đòi hỏi phải tích cực thực hiện đồng bộ những giải pháp như:

Phát triển nâng cấp những làng có nghề dần trở thành làng nghề, đồng thời làm sao đưa được nghề mới vào những thôn làng còn thuần nông; hình thành các doanh nghiệp để sản xuất, chế tác, tiêu thụ sản phẩm nghề; kêu gọi, khuyến khích đầu tư nhằm khôi phục, phát triển nghề, tạo điều kiện để các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao truyền dạy nghề cho người học nghề; khắc phục từng bước tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, kém năng lực cạnh tranh của nghề truyền thống ở một số nơi.

Cần gắn kết hữu cơ phong trào “Mỗi làng một nghề” với phong trào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay; gắn kết phát triển làng nghề với phát triển du lịch để thu hút được ngày càng nhiều du khách “du lịch làng nghề” và nhiều “làng nghề du lịch”…

Các nghề và làng nghề truyền thống ở Ninh Bình dù còn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức, song cũng đang có nhiều thuận lợi, khả quan trước những vận hội mới.

Báo Ninh Bình