Bảo tồn, phục dựng và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống
Cập nhật: 21/01/2015
Trong thời điểm hiện nay, việc phục dựng hình tượng linh vật truyền thống là triển vọng cho chặng đường gìn giữ, bảo tồn và quảng bá những giá trị độc đáo của di sản văn hóa dân tộc.
 
Mẫu Sư Tử đá Việt Nam

Tìm lại chỗ đứng cho linh vật truyền thống

Sau khi Bộ VHTTDL có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 08/8/2014 về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam”, các tỉnh thành trên cả nước đã cùng nhau thực hiện di dời linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, không gian văn hóa thuần Việt. Nhiều triển lãm, tọa đàm cũng được tổ chức với mục đích tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích người dân sử dụng linh vật Việt thay vì linh vật ngoại lai. Tuy nhiên, việc xác định hình tượng và tìm chỗ đứng cho linh vật thuần Việt lại là một quá trình gian nan.

Trên thực tế, từ bấy lâu nay, những con sư tử ngoại lai luôn xuất hiện với số lượng lớn, tràn lan trên thị trường trong khi linh vật thuần Việt như: nghê, sấu... lại khá xa lạ. Nhiều làng thủ công mỹ nghệ hầu như cũng chỉ sản xuất linh vật kiểu nước ngoài, chứ hoàn toàn không làm linh vật Việt. Khi có chính sách không sử dụng linh vật ngoại lai không phù hợp, nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề băn khoăn, không biết có nên sản xuất linh vật Việt hay không, vì sợ mặt hàng làm ra không bán được.

Mặt khác, việc công đức hiện vật vào di tích là một nhu cầu tất yếu của xã hội đồng thời góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hiện nay, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã đăng một số mẫu linh vật Việt trên trang web để người dân có cơ sở tham khảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, hoặc có điều kiện để vào trang web này, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Trong hai tháng 11, 12/2014, tại Hà Nội và Đà Nẵng đã diễn ra triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”. Đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm tìm lại chỗ đứng cho linh vật thuần Việt, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống.

Qua triển lãm, công chúng đã được tiếp cận với các hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến thời Nguyễn, từ đó hình dung được diện mạo hai linh vật sư tử và nghê. Những hiện vật đó đều là tác phẩm điêu khắc độc lập, hoặc một phần khắc trên các công trình kiến trúc như đình chùa, khắc trên đồ vật như bình hoa, chân đèn... Đi kèm với mỗi hiện vật là những chú thích, chú giải và những bài viết nói rõ niên đại, chất liệu, cách tạo hình, đặc điểm nổi bật và ý nghĩa tâm linh. Việc này giúp người xem hiểu hơn nguồn gốc, lịch sử, đặc điểm tạo hình và ý nghĩa tâm linh của linh vật thay đổi ở từng thời kỳ khác nhau.

Như vậy, việc giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập linh vật thuần Việt là việc làm hết sức ý nghĩa bởi đó không chỉ đơn thuần là vấn đề mỹ thuật mà còn trở thành động lực cho các làng nghề chế tác linh vật của Việt Nam, góp phần tuyên truyền cho người dân hiểu hơn về nét đẹp của những linh vật từ lâu đã là biểu tượng cho nền văn hóa truyền thống của đất nước.

Mẫu Nghê Việt Nam thế kỷ XVII

Phục dựng mẫu nghê “đúng chuẩn”

Sự độc đáo của nghê nằm ở chỗ có sự lai ghép của nhiều linh vật khác như: vây rồng hay thân hình nảy nở, tư thế ngồi chầu kính cẩn uy nghi. Điểm đáng chú ý nữa là hàm răng của bức tượng nghê không bị làm cho nhọn hoắt hay nghiến vào nhau như thường thấy trong linh vật Trung Quốc nhưng vẫn toát ra vẻ uy nghi. Điều này thể hiện người Việt có nhu cầu biểu lộ sức mạnh, nhưng không quá dữ tợn, phô trương mà ở trạng thái tiềm ẩn, hài hòa với môi trường, cảnh quan, con người xung quanh.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến thăm xưởng điêu khắc của Công ty CP Mỹ thuật Liên Vũ (Hà Nội), nơi đang tiến hành phục dựng một mẫu nghê thế kỷ 17. Tại đây, nghệ nhân đã hoàn thành 80% tạo hình nghê từ thời Lê bằng đất sét. Được biết, để tạo tác nên tượng Nghê này, nghệ nhân lấy nguyên mẫu từ tượng nghê ở đền Vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa), thế kỷ 17, vốn được tạo tác bằng gỗ, phủ sơn, cao 118cm, mang dáng hình con chó, còn gọi là “khuyển nghê”.

Người ta nói nghê Việt có yếu tố của rồng, tạo hình của một loài chó rất khỏe. Các chuyên gia cho rằng đây là một mẫu mà về niên đại, lai lịch không ai có thể nghi ngờ tính chất kinh điển. Nó là linh vật, vì được đặt ở đền thờ vua Lê Thánh Tông. Từ đây có thể xem nghê là linh vật mang tính hoàng gia, đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất trong nghệ thuật của một triều đại và là linh vật cung đình.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Vũ cho biết, ý tưởng phục dựng mẫu nghê này xuất phát từ khi anh được tận mắt chiêm ngưỡng các hiện vật trong triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 11/2014. Tuy nhiên việc chế tác ban đầu gặp nhiều khó khăn vì tất cả các mẫu không hoàn thiện, con thiếu đuôi, đường mẫu hoa văn tạo hình bị khuyết do chiến tranh hay phá hủy của thời gian… Tuy nhiên, nhờ sự tư vấn của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nên cuối cùng mẫu nghê đã được phục dựng thành công.

Đánh giá về tượng nghê này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Trong thời điểm hiện nay, sự xuất hiện của mẫu nghê này rất kịp thời, đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo dư luận, những người mong ngóng có một hình tượng linh vật Việt vừa thân thiện, ấm áp, gần gũi và cũng đầy đủ nội lực, sức mạnh. Đây là một mẫu mà về mặt niên đại, về mặt lai lịch, không ai có thể nghi ngờ tính chất kinh điển của nó. Được đặt ở đền thờ vua Lê Thánh Tông, nghê này có thể nói là của hoàng gia, một linh vật cung đình. Với nghiên cứu tâm huyết của anh Vũ, những hình tượng nghê như thế này hoàn toàn có triển vọng phục hồi”.

Phát huy giá trị và quảng bá hình tượng linh vật Việt

Trong nghệ thuật tạo hình, linh vật Việt luôn mang những đặc điểm nhận dạng hoàn toàn khác biệt với linh vật ngoại lai. Điều đó có thể thấy qua việc nếu linh vật ngoại lai hướng đến yếu tố tả chân, từ dáng vẻ lẫm liệt cho đến chi tiết lông, bờm bệ vệ, nanh nhọn, cơ bắp, phô trương sức mạnh thì linh vật Việt lại mang đậm nét gần gũi, hiền lành, có sự cách điệu hóa đến từng chi tiết lông, râu, vây, đuôi… không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn gánh cả trên mình sự kính thiên, văn hóa phồn thực, hài hòa âm dương.

Qua đó có thể thấy rằng, dù lịch sử đã từng có giao thoa, tiếp biến văn hoá với các quốc gia khác thì người Việt vẫn luôn chế tác ra những biểu tượng mang đậm nét tinh hoa, hồn cốt, tình cảm của dân tộc mình.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Bà Đặng Thị Bích Liên cho rằng cần có sự tuyên truyền, quảng bá về linh vật thuần Việt để hướng người dân đến hiểu biết, cảm thụ, dành tình cảm và sự trân trọng đối với di sản của cha ông. Riêng làng nghề đá Non Nước (Đà Nẵng), nơi được xem là sản xuất linh vật sư tử, nghê… lớn nhất nước thì bên cạnh việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển làng nghề phải tạo tác, quảng bá và nhân rộng hình ảnh linh vật thuần Việt.

Hiện nay, điều đáng mừng là nhiều nghệ nhân các làng đá bắt đầu gửi sáng tác, cùng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm xem xét mẫu mới để triển lãm giới thiệu cho dân. Bộ VHTTDL có bộ sưu tập linh vật các thời kỳ, in thành tập san, bưu thiếp hoặc in lịch để quảng bá.

Riêng ở xưởng điêu khắc của anh Vũ sẽ không chỉ dừng lại ở việc phục dựng các mẫu nghê mà còn mong muốn trở thành chiếc cầu nối để đông đảo người dân được tiếp xúc với linh vật thuần Việt. Anh Vũ cho biết trước hết sẽ vận động khách hàng bằng việc “khuyến mãi”. Từ đó hy vọng người dân sẽ dần biết đến và thay đổi sau khi hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của các linh vật truyền thống Việt Nam.

Mặc dù ở thời điểm này, thói quen sử dụng linh vật ngoại lai chưa hoàn toàn thay đổi nhưng với các dấu hiệu đáng mừng như: sự chững lại của thị trường đặt mua linh vật ngoại lai, người dân bắt đầu quan tâm đến bản sắc văn hóa dân tộc, bước đầu đã có những đơn vị đặt làm nghê Việt… cùng với sự sáng tạo, tâm huyết của các nghệ nhân, một lần nữa có thể khẳng định rằng Công văn 2662 đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ trong cộng đồng.

Mỗi linh vật cổ là một mẫu “gen” quý cần được bảo tồn. Việt Nam có kho tàng di sản lớn các linh vật thuần Việt rất đẹp qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê. Với sự phát triển của mỹ thuật đương đại, mẫu nghê của nhà Lê thế kỷ 17 đã được phục dựng lại một cách chân thực, mang nét đẹp đặc trưng của văn hóa dân tộc, từ đó giúp bảo tồn và quảng bá nét đẹp của các linh vật truyền thống Việt Nam. Trong tương lai, linh vật Việt sẽ ngự trị, tìm lại được vị thế trong đời sống tâm linh người Việt.

CINET