Thừa Thiên - Huế: Khai trương biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát cổ nhất Việt Nam
Cập nhật: 02/04/2015
Sau khi hoàn thành nâng cấp phần nội thất của nhà hát Duyệt Thị Đường, ngày 31/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khánh thành không gian trưng bày và khai trương hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại nhà hát Duyệt Thị Đường, vốn được xem là nhà hát cổ nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cô đô Huế, cho biết trong đợt nâng cấp, chỉnh lý nhà hát vừa qua, phần sân khấu biểu diễn đã được cải tạo phù hợp; phần nội thất được chỉnh trang toàn bộ.

Đặc biệt, Trung tâm đã làm mới hệ thống trưng bày giới thiệu ba loại hình nghệ thuật tiêu biểu được bảo tồn, gìn giữ và phát huy tại nhà hát này, bao gồm nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình, thông qua việc trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh tư liệu, trang phục, nhạc cụ, mặt nạ tuồng, cùng nhiều tài liệu liên quan khác đến với công chúng và khách tham quan.

Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, thời gian qua, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên 40 bài nhạc lễ, xây dựng nhiều tiết mục múa cung đình đặc sắc.

Các tiết mục góp phần làm giàu thêm vốn Nhã nhạc cung đình Huế, thu hút du khách như "Lục cúng hoa đăng," "Nữ tướng xuất quân," "Lân mẫu xuất Lân nhi," "Lục triệt hoa mã đăng"... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở "Sơn hậu," "Tam Nữ Đồ Vương," "Quần phương tập khánh."

Ngoài ra, chương trình trình diễn phục vụ du khách tại sân khấu Duyệt Thị Đường cũng đã được chỉnh lý, đầu tư dàn dựng lại một cách công phu nhằm không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chất lượng phục vụ cũng như yêu cầu trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể của cố đô Huế.

Duyệt Thị Đường được xây dựng năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng. Đây là là nhà hát của hoàng cung, nơi dành cho vua và những người trong hoàng tộc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật cung đình và tuồng cổ. Đây còn là nơi trình diễn nghệ thuật chiêu đãi sứ thần các nước, nhằm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình.

Trải qua gần 200 năm, dưới sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, nhà hát Duyệt Thị Đường đã gánh chịu nhiều hư hỏng nặng nề và đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.

Từ năm 1995 đến năm 2002, nhà hát được trùng tu, sửa chữa; hệ thống ghế dành cho các quan khách xưa kia phục chế và chính thức đi vào hoạt động, phục vụ du lịch.

Vietnam+