Khai mạc Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX
Cập nhật: 27/04/2015
Tối 24/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai mạc Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX - 2015 tại huyện Đam Rông. 

Đây là sự kiện văn hóa tiêu biểu của nhân dân các dân tộc Lâm Đồng chào mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lễ hội cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX có sự tham gia của 12 đoàn trong tỉnh với hơn 500 nghệ nhân là người dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên như K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông. 

Lễ hội là dịp để nhân dân các dân tộc bản địa tại tỉnh Lâm Đồng giao lưu, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là để chào mừng 40 năm giải phóng Đà Lạt-Lâm Đồng và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, khẳng định giá trị của di sản không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống xã hội hiện nay. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng khẳng định trong những năm qua, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có cả văn hóa cồng chiêng và lễ hội lần này là kết quả cụ thể của quá trình bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản không gian văn hóa cồng chiêng.

Với chủ đề “Đam Rông - Mùa hội cồng chiêng,” đêm khai mạc mở màn khá ấn tượng với cảnh diễn đám rước thần lúa của 8 đoàn nghệ nhân đến từ các xã của huyện Đam Rông. 

Cảnh diễn đã thể hiện những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đặc biệt là nghi thức tôn thờ thần Lúa - biểu trưng của sự no ấm, của người dân tộc M’Nông. 

Tiếp đó là những màn diễn tấu cồng chiêng của các đoàn nghệ nhân như “Lao động sản xuất” của người K’Ho (Lâm Hà), “Mài lửa” của nghệ nhân Chu Ru (Đơn Dương), “Những ngày mùa vui” của đồng bào M’Nông…

Trong dịp này, tỉnh Lâm Đồng đã trao giấy chứng nhận vinh danh nghệ nhân văn hóa cồng chiêng cho 24 già làng, nghệ nhân trong tỉnh.

Trong ngày 25/4, lễ hội văn hóa cồng chiêng tiếp tục diễn ra với nhiều hoạt động như trồng 40 cây lưu niệm tượng trưng cho 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, hội thi trò chơi dân gian, cuộc thi văn hóa cồng chiêng… 

Riêng tối 25/4 sẽ diễn ra lễ bế mạc với chủ đề “Đêm hội đoàn kết - liên hoan giã bạn”./.

TTXVN/VIETNAM+