Hậu Giang tập trung khai thác tiềm năng du lịch
Cập nhật: 01/06/2015
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, hiện địa phương này có 9 dự án du lịch đang kêu gọi đầu tư. Việc kêu gọi đầu tư vào những dự án này sẽ tạo cho ngành Du lịch của Hậu Giang có những khởi sắc mới, thu hút ngày càng đông lượng du khách trong nước và quốc tế.
 

Các khu du lịch được mời gọi đầu tư ở Hậu Giang là: Khu du lịch Hồ Sen; Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu; Khu du lịch Hồ Tam Giác, chợ nổi Ngã Bảy; Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng; Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị; Du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc; Khu du lịch Căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh và Khu du lịch sinh thái Ngã Sáu - Phú Hữu.

Cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, công nghiệp, thương mại và dịch vụ đang trên đà phát triển. Đặc trưng nổi bật của Hậu Giang cũng giống như các tỉnh nằm chung trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là có nhiều sông ngòi chằng chịt với những vườn cây ăn trái quanh năm.

Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã tạo đà phát triển cho ngành Du lịch Hậu Giang. Mục đích của việc này là nhằm khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có, giúp ngành Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó thì hàng loạt biện pháp đã được đề ra, như: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các hoạt động và xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước…

Ngoài ra, Hậu Giang còn có tiềm năng và lợi thế về du lịch rất lớn với tài nguyên du lịch tự nhiên như: Khu vui chơi sinh thái Tây Đô ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp với quy mô khoảng 17ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích 2.800ha nằm ở xã phương Bình, huyện Phụng Hiệp; Khu Sinh thái Rừng Tràm Vị Thủy khoảng 140ha, giai đoạn đầu khai thác khoảng 20ha. Ngoài ra, Hậu Giang hiện có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Khu căn cứ Tỉnh ủy (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp); Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ); Khu di tích Chiến thắng Tầm Vu (huyện Châu Thành A); Khu di tích lịch sử Vàm Cái Sình (thành phố Vị Thanh); Khu di tích lịch sử Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh),…

Theo ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức đối với du lịch Hậu Giang, như: Thiếu cơ sở hạ tầng, yếu về nhân lực; hệ thống lưu trú cũng còn nhiều hạn chế, chưa có khách sạn nào đạt hạng sao; các điểm du lịch có hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao, sản phẩm đơn điệu. Lượng khách du lịch đến Hậu Giang trung bình hàng năm chỉ vào khoảng 100 nghìn người, chủ yếu qua các kỳ lễ, hội.

Thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Hậu Giang sẽ tích cực khai thác tiềm năng sẵn có. Theo đó, công tác quảng bá, tiếp thị những đặc sản du lịch Hậu Giang tiếp tục được thực hiện, bằng cách tham gia triển lãm, quảng bá một số gian hàng tại các hội chợ, lễ hội có quy mô cấp khu vực và quốc gia.

ĐCSVN