Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung 2015 tại TP. Quảng Ngãi vào tháng 7 với sự tham gia của các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định và một số địa phương ở Tây Nguyên.
Bãi biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)
Với tinh thần hướng về biển đảo, Festival Nông nghiệp và Làng nghề miền Trung 2015 thể hiện thế mạnh của nông - ngư nghiệp của các làng nghề ven biển miền Trung và Tây Nguyên với quyết tâm lao động, làm giàu, góp phần xây dựng quê hương phát triển. Ngày hội hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", rà soát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp khoa học kỹ thuật trong chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và làng nghề.
Khu triển lãm có nội dung phong phú, trước hết là giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hóa Quảng Ngãi với những mô hình hoạt động điển hình của nông dân và các làng nghề. Đây là tỉnh có bờ biển dài 130km với nhiều hệ sinh thái, tài nguyên du lịch biển có tiềm năng lớn và hấp dẫn, trong đó đáng kể nhất là khu bờ biển Sa Huỳnh, Mỹ Khê và đảo Lý Sơn. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, với khởi nghĩa Ba Tơ, khu chứng tích Sơn Mỹ, Trạm xá Đặng Thùy Trâm, Nhà tưởng niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Một khu triển lãm riêng cho sản phẩm làng nghề Quảng Ngãi như các làng nghề sản xuất muối Sa Huỳnh; chế biến nước mắm Đức Lợi, Tịch Kỳ; rèn truyền thống Tịnh Minh; đóng sửa tàu thuyền Tịnh Kỳ; mây tre đan Phổ Minh; chổi đót Phổ Thuận, Hành Trung; trồng tỏi Lý Sơn; kẹo đường TP. Quảng Ngãi... Bên cạnh những gian hàng trưng bày sản phẩm còn nhiều gian hàng triển lãm vật tư nông nghiệp, giới thiệu các loại cây, con giống và dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, triển lãm thiết kế bộ máy, công nghệ mới phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn miền biển. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp tham gia với hơn 300 gian hàng.
Tại trung tâm triển lãm có khu trưng bày về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với những bản đồ, tư liệu, hình ảnh thể hiện chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam và tinh thần yêu nước của nhân dân ta, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Đảo Lý Sơn được giới thiệu với lịch sử ra đời của các đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải vâng mệnh vua tuần tra, khai thác, thực hiện chủ quyền trên hai vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa mang đậm bản sắc văn hóa miền biển, thấm đẫm lòng biết ơn của các thế hệ đi sau.
Cùng với triển lãm có những cuộc hội thảo kỹ thuật nông nghiệp và phát triển làng nghề, tổ chức đưa đón nông dân tham quan các gian hàng và tham dự hội thảo, tư vấn kỹ thuật và xúc tiến thương mại cho nông dân.
Hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra trong suốt những ngày hội với nhiều chương trình ca nhạc hướng về biển đảo quê hương, tái hiện lễ nghinh Ông (cá voi) với hát bả trạo rất quen thuộc của vùng biển miền Trung cùng nhiều tiết mục văn hóa nghệ thuật dân gian. Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu ẩm thực Tây Nguyên, lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, hội thi Bàn tay vàng, lễ hội áo dài, diễu hành đường phố, Ngày hội mua sắm hàng Việt... Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: "Với tinh thần hướng về biển đảo, Festival là dịp khảo sát thế mạnh và những khó khăn, vướng mắc của các làng nghề miền Trung, tìm ra những giải pháp tháo gỡ tận gốc, để làng nghề thật sự góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng và bảo vệ đất nước".