Nằm ở hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Hội An đã từng là một thương cảng quốc tế sầm uất luôn tấp nập thuyền buôn của người Nhật, Hoa và phương Tây từ thế kỷ 16 đến 19, với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố... Những doanh nhân nước ngoài định cư tại Hội An đã góp phần tạo nên cộng đồng dân cư với bản sắc văn hóa vô cùng đa dạng, tiểu biểu là quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ trong khu phố cổ. Đến nay, cảnh quan phố cổ Hội An vẫn được gìn giữ nguyên vẹn và bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Bên cạnh đó, văn hóa tín ngưỡng, sinh hoạt hàng ngày của người dân Hội An, nổi bật là văn hóa sử dụng đèn lồng của người Nhật Bản, người Hoa vẫn còn bảo tồn và nay đã trở thành nét văn hóa đặc trưng chỉ Hội An mới có.
Nhằm tái hiện hình ảnh khu phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20, UBND TP Hội An đã cho phép tổ chức chương trình “Đêm phố cổ Hội An” 2 lần/tháng, vào tối mồng 1 và 14 âm lịch. Tham dự chương trình, du khách sẽ có cảm giác như đang hòa mình vào cuộc sống của người dân phố cổ Hội An thông qua các hoạt động chợ đêm, hát bài chòi, hát Tuồng, đập niêu đất, âm nhạc đường phố, thả hoa đăng trên sông Hoài... Điểm đặc biệt của chương trình là không gian phố cổ hoàn toàn không có ánh điện, không có tiếng ầm ĩ phát ra từ các thiết bị điện, xe cộ, chỉ có ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn lồng hình tròn, hình lục lăng theo phong cách Trung Hoa hay đèn hình quả trám, hình ống dài kiểu Nhật Bản treo dưới mái hiên nhà và hai bên cửa ra vào. Đặc biệt, trên dòng sông Hoài thơ mộng, đèn hoa đăng được thả xuống theo từng chiếc một hay từng mảng, từng bè phát sáng cả một góc sông.
|