Ngày 29/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2015.
|
Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2015 là một trong 8 hoạt động chính của Tuần lễ du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long 2015 diễn ra tại Cần Thơ.
Hội thảo nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng phát triển bền vững với trọng tâm là phát triển du lịch xanh góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan.
Theo ông Vương Duy Biên, thời gian qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất sôi động với tốc độ phát triển bình quân trên 2 con số. Năm 2014, toàn vùng đã đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 10 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt trên 6.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2,2 triệu người.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với những vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch cần phải phát huy hiệu quả cao hơn, bền vững hơn nữa trong mối liên kết giữa các ngành liên quan đến du lịch.
Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, lữ hành với khách sạn, đồng thời liên kết du lịch vùng nhằm hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường, qua đó giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng.
Theo các chuyên gia, các nhà khoa học, phát triển du lịch xanh là xu hướng của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng ngập nước lớn nhất của Việt Nam với nhiều giá trị về cảnh quan sinh thái và văn hóa bản địa hấp dẫn du lịch. Phát triển du lịch xanh sẽ có những đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu - những thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa được như kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân như nhận thức và hiểu biết về du lịch xanh còn nhiều hạn chế, các chính sách phát triển du lịch xanh chưa đáp ứng so với nhu cầu. Đặc biệt là sự liên kết giữa các bên có liên quan và các địa phương trong vùng còn hạn chế.
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp các tỉnh thành cần sớm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá như xây dựng cơ chế chính sách điều phối liên kết, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Ngoài ra, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo, điều phối và Văn phòng Ban chỉ đạo, điều phối phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, xúc tiến hình thành Quỹ phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các cụm du lịch…
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu Tổng cục Du lịch giới thiệu Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tham luận Liên kết phát triển sản phẩm đặc thù du lịch xanh “Thế giới sông nước Mê Kông” của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; tham luận Phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phát triển du lịch xanh gắn với nhu cầu hàng hóa, sản vật và quà lưu niệm phục vụ du lịch… của một số chuyên gia, các nhà quản lý nhằm đề xuất, đưa ra một số giải pháp liên kết phát triển du lịch xanh.
Đặc biệt, các đại biểu được nghe những kinh nghiệm hay của các địa phương, doanh nghiệp trong mối liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ Tổng Công ty Du lịch Saigontourist, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp.