(TITC) – Sáng 29/6/2015, tại khách sạn Mường Thanh Cần Thơ, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh Khu vực ĐBSCL” năm 2015. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm khởi đầu cho các hoạt động của Tuần lễ Du lịch xanh diễn ra tại Thành phố Cần Thơ.
Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện của ông Vương Duy Biên,Thứ trưởng Bộ VHTTDL; ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Cần Thơ. Tham gia hội thảo có hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố Cần Thơ, đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh/thành phố và doanh nghiệp du lịch trong cả nước, các trường đào tạo về du lịch, các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, trọng tâm là phát triển “Du lịch xanh”, góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với sự tham gia của các bên liên quan.
Toàn cảnh hội thảo
ĐBSCL là vùng đất có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, đặc biệt là du lịch sông nước và sinh thái trên cơ sở khai thác các giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước lớn nhất ở Việt Nam. Trong những năm qua, hoạt động du lịch vùng ĐBSCL phát triển khá sôi động với tốc độ tăng trưởng bình quân năm luôn đạt trên 2 con số. Năm 2014, ĐBSCL đón hơn 22,4 triệu lượt khách, trong đó có 1,83 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 6.360 tỉ đồng, tạo hàng chục ngàn việc làm, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Tuy nhiên, hiện nay vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là những vấn đề về ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch theo hướng bền vững vùng ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hoạt động xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, đặc biệt vào các sản phẩm du lịch xanh; liên kết xúc tiến quảng bá du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp và nhà nước chưa thống nhất.
Thảo luận về các vấn đề liên quan tới phát triển du lịch xanh vùng ĐBSCL, Hội thảo đã nhận được 24 tham luận và ý kiến đóng góp từ đại diện các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, của các đại biểu tham dự hội thảo, tập trung vào các vấn đề như: Sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên cho phát triển du lịch; Hạn chế tác động của chất thải từ hoạt động du lịch; và Ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những tham luận và ý kiến có ý nghĩa rất thiết thực của các đại biểu. Hiện nay, phát triển bền vững được coi là điều kiện quan trọng trong sự phát triển của mọi ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ngành Du lịch Việt Nam đã định hướng phát triển theo hướng bền vững, phát triển du lịch xanh gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng cần xác định thông điệp về phát triển du lịch của vùng ĐBSCL để trở thành kim chỉ nam trong các hoạt động phát triển du lịch xanh của vùng: “Du lịch xanh vùng ĐBSCL – Sản phẩm Xanh – Doanh nghiệp Xanh – Cộng đồng Xanh – Khách sạn Xanh”. Thông điệp này cần được truyền tải hiệu quả thông qua các hoạt động thiết thực và được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch để chung tay xây dựng vùng ĐBSCL phát triển một cách bền vững.
Thanh Tâm