Cuộc hội thảo với chủ đề “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững” do Báo Lao động phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức, vừa diễn ra tại Hội An thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan thông tấn báo chí, doanh nghiệp du lịch và các địa phương trong tỉnh.
|
Du lịch trách nhiệm cũng chính là hướng đến bảo vệ môi trường (Ảnh: Vĩnh Lộc) |
Xu hướng chủ đạo
Những năm gần đây khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” đã không còn xa lạ với nhiều địa phương trong cả nước. Với lợi thế về tài nguyên di sản nhân văn, thiên nhiên và được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như UNESCO, ILO, FIDR… Quảng Nam là địa phương sớm phát triển các loại hình du lịch trách nhiệm mang tính bền vững. Điển hình, có thể kể đến làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng và Đhrôồng (Đông Giang) thuộc dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” do Chính phủ Luxembourg tài trợ, ILO cùng tỉnh Quảng Nam thực hiện từ tháng 6.2011 hay các dự án du lịch cộng đồng tại Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Triêm Tây do UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với ILO và UNESCO triển khai…
Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng chú trọng phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, trở thành một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng và triển khai con dấu xác thực “Crafted in Quảng Nam” dành cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại địa phương. Sự ra đời con dấu xác thực nhằm chứng minh nguồn gốc của món quà lưu niệm giúp du khách chọn đúng sản phẩm sản xuất tại Quảng Nam. Đây là điều rất quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề trên địa bàn tỉnh đến với du khách, qua đó thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ Quảng Nam ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL, mục tiêu phát triển du lịch trách nhiệm chính là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương gắn với 3 mục tiêu là phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và gắn kết xã hội. Đặc biệt, thông qua việc đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ và nâng cao trải nghiệm của du khách sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, tăng cường sự liên kết và hợp tác vì sự phát triển bền vững của điểm đến. “Có 4 nguyên tắc khi thực hiện các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững tại Quảng Nam đó là: Nguyên tắc lồng ghép nhiều nguồn lực gồm nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức xã hội đoàn thể, hiệp hội, các cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế; Nguyên tắc bền vững trong tất cả thiết kế hoạt động; Nguyên tắc tiếp cận theo chuỗi giá trị là các bên liên quan tham gia trong chuỗi giá trị du lịch đều là đối tượng hưởng lợi, đồng thời cũng là chủ thể của hoạt động nhằm tiến tới một môi trường du lịch của tỉnh cạnh tranh lành mạnh và bền vững; Nguyên tắc thúc đẩy sự tham gia chủ động của cộng đồng” - ông Cường phân tích.
Thành công của dự án
Thực tế, qua 5 năm triển khai các dự án phát triển du lịch bền vững có trách nhiệm tại Quảng Nam đã đạt được những kết quả nổi bật. Có thể kể đến như Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch cho phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam đã được xây dựng và phê duyệt; Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo; Đề án phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch Quảng Nam giai đoạn 2015 – 2020; Xây dựng các quy định, quy chế về du lịch dựa vào cộng đồng; Các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng; Các kế hoạch quản lý du lịch được xây dựng và thực hiện tại các khu di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm. Cam kết của các doanh nghiệp khi tạo những tiện ích tiếp cận cho người khuyết tật, tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm lưu trú. Đặc biệt, từ khi dự án triển khai đã có 40 doanh nghiệp cùng 11 trường ký cam kết hợp tác hỗ trợ nguồn nhân lực cho địa phương những năm tới.
Tại cuộc hội thảo cùng chủ đề vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Chín – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, thành công nhất của dự án chính là nhận thức từ các cấp lãnh đạo và cộng đồng người dân đã hiểu biết hơn rất nhiều về phát huy bảo tồn các giá trị di sản để phát triển du lịch. Điều này thể hiện ở việc hình thành những đội, nhóm phục vụ du lịch trong múa hát, trong bảo tồn văn hóa, ẩm thực… Đặc biệt, người dân đã giữ được làng quê cùng bản sắc văn hóa của dân tộc, địa phương mình mà Triêm Tây và Bhơ Hôồng, Đhrôồng là những điển hình. Ngoài ra, hiểu biết của khách du lịch về phát triển du lịch bền vững trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao hơn khi tham gia các tour tuyến du lịch này. “Dù đối tượng khách dành cho các tour này còn ít khiến doanh thu, thu nhập của người dân chưa cao nhưng tôi tin với sự tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền trong các chính sách, các cơ quan truyền thông, các doanh nghiệp và đặc biệt người dân thì việc lan truyền, vận động để phát triển du lịch bền vững cho người dân và du khách chắc chắn sẽ đạt kết quả” - ông Chín kỳ vọng.
Tuy nhiên, không phải tất cả đã hoàn hảo, qua dự án vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như chất lượng nguồn nhân lực lao động; kỹ năng nghề; hạ tầng du lịch… Đặc biệt, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng và phải vào cuộc cùng với doanh nghiệp. Theo ông Charlie Bodwell - Cố vấn kỹ thuật Văn phòng ILO tại Băng Cốc (Thái Lan), chỉ có du lịch có trách nhiệm và bền vững là con đường đi đúng, nó sẽ kết hợp được 3 yếu tố đó là bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và tạo dựng kinh tế phát triển những doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững sẽ là cách tiếp cận mà Quảng Nam đang đi đúng hướng thể hiện tầm nhìn lãnh đạo của các cấp từ tỉnh đến địa phương. Sự cần thiết nhất bây giờ là những kỹ năng, trình độ của người lao động trong ngành cần phải được tiếp tục đầu tư, quan tâm nhiều hơn để giúp nâng cao chất lượng điểm du lịch thời gian đến” - ông Charlie Bodwell góp ý.