Dự án “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng”, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thực hiện đã mang đến nhiều cơ hội cho việc gìn giữ, bảo tồn làng chài truyền thống trên Vịnh Hạ Long.
|
Làng chài Cửa Vạn (nguồn: Internet) |
Dự án “Sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà: Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức địa phương và cộng đồng” (gọi chung là Dự án) thực hiện trong ba năm (2014 - 2017) với nguồn vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng, trong đó có hơn 13 tỷ đồng tài trợ không hoàn lại.
Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ở địa phương và đại diện cộng đồng, có liên quan mật thiết đến quản lý và khai thác Vịnh Hạ Long phát huy tinh thần hợp tác tích cực, có năng lực duy trì tính bền vững của cơ chế hợp tác.
Cơ chế liên minh hợp tác các bên liên quan đến Dự án là hướng tới quản lý và khai thác bền vững Vịnh Hạ Long, trong đó ưu tiên quan tâm đến hoạt động nuôi trồng thủy sản như một ngành điển hình, từ khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội.
Dự án gồm có bốn nội dung chính yếu: Hỗ trợ tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý theo tiếp cận tổng hợp và nuôi trồng thủy sản bền vững trên Vịnh Hạ Long gắn với bảo tồn di sản; cộng đồng tham gia quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện thí điểm trình diễn nuôi trông thủy sản bền vững; tăng cường tuyên truyền thúc đẩy hợp tác đa ngành và sự tham gia của các bên liên quan; tăng cường năng lực thực hiện, giám sát, đánh giá dự án và cơ chế tổ chức thực hiện.
Nhận thức rõ Dự án sẽ góp phần tăng cường bảo vệ cảnh quan và môi trường, quản lý khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; đồng thời hình thành mô hình thí điểm và vận hành có hiệu quả việc phát triển nuôi trồng bền vững kết hợp du lịch trên Vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện, phối hợp triển khai giữa nhiều Sở, ban, ngành liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Sở VHTTDL Quảng Ninh.
Đặc biệt, nhằm quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long, khai thác bền vững tiềm năng du lịch theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị di sản, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014 - 2020.
Theo nội dung của Đề án Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên Vịnh Hạ Long giai đoạn 2014 - 2020, có bốn trong bảy làng chài đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quy hoạch trước đây là làng chài Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong đã được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng làng chài.
Như vậy, mỗi làng chài sẽ gắn với một mô hình phát triển du lịch riêng biệt. Làng chài Ba Hang là mô hình làng chài gắn với bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn, trồng rừng; đưa đón khách tham quan; cho thuê kayak; bán hàng lưu niệm.
Làng chài Hoa Cương Hạ Long nuôi cá lồng, chợ hải sản, giới thiệu kỹ thuật nuôi trồng hải sản, cung cấp vật tư và dịch vụ ăn uống.
Làng chài Cửa Vạn là làng chài tự quản gắn với Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, trưng bày không gian sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các giá trị văn hoá làng chài; dịch vụ ăn uống, lưu trú, tham quan làng chài, hệ sinh thái rừng; leo núi, xem động vật hoang dã trên núi.
Làng chài Vông Viêng đánh bắt hải sản bằng công cụ truyền thống, trải nghiệm cuộc sống ngư dân; dịch vụ lưu trú; tham quan nuôi nuôi trai lấy ngọc; giới thiệu các nghề truyền thống và ngư cụ truyền thống; du lịch trải nghiệm “Đánh cá cùng ngư dân”.
Khu tái định cư mới Cái Xà Cong của ngư dân từ Vịnh Hạ Long lên định cư trên bờ là mô hình làng chài tái định cư tiêu biểu; dịch vụ bán hải sản, đồ lưu niệm, thủ công; thưởng thức ẩm thực, duy trì các hoạt động đánh bắt, nuôi hải sản để hỗ trợ dịch vụ…
Cùng với các sản phẩm du lịch đặc trưng, Đề án cũng đề xuất xây dựng một số tour, tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long gắn với phát triển sản phẩm du lịch làng chài.
Đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định đến Quảng Ninh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng hệ thống đảo đá nhấp nhô trên mặt nước với muôn hình vạn trạng, trước vẻ đẹp huyền bí, kỳ diệu ẩn chứa trong lòng các đảo, mà du khách còn được khám phá làng chài Cửa Vạn trên Vịnh này. Vì với bề dày lịch sử hình thành các làng chài trên mặt Vịnh từ cuối thế kỷ thứ 19, các làng chài định cư đã tạo cho mình một nền văn hóa rất khác biệt. Do đó không chỉ là tò mò, nhiều du khách còn tìm đến đây để trải nghiệm và nghiên cứu về đời sống cộng đồng của cư dân vạn chài địa phương.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng Dự án đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch và bảo tồn giá trị văn hóa bền vững và nhiều khả năng sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và những địa phương có biển của Việt Nam.