Trong sắc xuân và tiết trời rằm tháng Giêng âm lịch (tức ngày 9/2/2009), đến hẹn lại lên, du khách thập phương nô nức tề tựu hướng về lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ công đức Vua Mai Thúc Loan cùng với các tướng lĩnh của ông.
Cụm di tích tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) có đền thờ ở thị trấn Nam Đàn, khu lăng mộ thuộc xã Vân Diên và mộ thân mẫu của Ông ở xã Nam Thái. Đền thờ được xây dựng tại chính nơi xưa kia là trung tâm đại bản doanh của nghĩa quân vua Mai, đồng thời cũng là kinh đô của Mai triều thuở ấy. Từ đền Vua Mai, theo chân con đê nhỏ hoặc du thuyền dọc bờ tả ngạn sông Lam khoảng 1 km về phía tây, du khách sẽ đến với khu mộ Vua Mai nằm giữa một thung lũng dưới chân núi Đụn Sơn, dãy núi có tiếng là "địa linh" xưa nay.
Chị Võ Thị Như Ý (Chủ tịch Công đoàn, Công ty Du lịch – Khách sạn Thái Bình – Chi nhánh Nghệ An) về dự lễ hội vui vẻ cho biết: "Trong tour về Nghệ An đầu xuân, không thể thiếu đến khu di tích Kim Liên và dự lễ hội Vua Mai".
Từ sáng 13 âm lịch (7/2/2009) tại sân đền thờ, mộ Vua Mai đã có rất đông du khách tới vãn cảnh, thắp hương, tham gia các trò chơi dân gian như: đánh cờ thẻ, chọi gà, hội vật, các môn thể thao bóng bàn, bóng chuyền nam nữ của 24 xã, thị trấn. Riêng lễ yết cáo năm nay được diễn ra vào lúc 15:00 ở cả 3 di tích (đền thờ Vua Mai, khu mộ Vua Mai và mộ thân mẫu Vua Mai). Đây cũng là năm đầu tiên Huyện đoàn Nam Đàn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Vua Mai" diễn ra vào lúc 19:00 tại sân mộ Vua Mai giữa Đoàn trường THPT Nam Đàn 1 và Đoàn trường THPT Sào Nam.
Tại bến thuyền khu mộ, chiều ngày 14 âm lịch đã diễn ra hội đua thuyền truyền thống, năm nay có 12 đội tham gia, đây là một trong những hoạt động thu hút đông đảo nhân dân đến dự.
Tâm điểm của Lễ hội Đền Vua Mai năm nay là lễ rước kiệu diễn ra vào sáng ngày 14 âm lịch. Có tất cả 6 đoàn rước: đi đầu là đội múa rồng, lân, ngựa, tiếp đến là đội nhạc, bát bửu, 9 cờ lễ hội (trang phục quần áo lễ); sau đó là kiệu, bát bửu, 9 cờ (trang phục áo kiệu); tiếp theo là đoàn các cụ cao tuổi, 9 cờ (trang phục áo chùng, khăn the); đoàn các thiện nam, tín nữ của các đền, chùa, 9 cờ (trang phục áo dài); cuối cùng là đoàn các em học sinh và nhân dân, du khách thập phương). Tất cả gặp nhau tại Sân lăng mộ Vua Mai dự lễ dâng hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.
Thêm thú vị, năm nay đội tế của huyện được giao nhiệm vụ tổ chức hội thi làm cỗ xôi gà (có 10 khối trên địa bàn thị trấn Nam Đàn tham gia) nhằm khôi phục lại tục lệ cổ truyền nuôi gà thờ, làm xôi thờ. Sau khi 10 cỗ xôi gà hoàn tất, ban tổ chức rước về Đền thờ Vua Mai làm lễ đại tế thể hiện sự tôn kính khi dâng lễ vật cúng Vua.
Hàng năm, tại đền thờ và các di tích Mai Hắc Đế có nhiều kỳ lễ trọng: Hội đền rằm tháng giêng, lễ giỗ vua Mai 16/9, lễ giỗ Mai Mậu 4/7... Riêng lễ hội đền Vua Mai vào rằm tháng Giêng hàng năm như dịp này là lễ hội được tổ chức quy mô lớn và long trọng nhất. Suốt trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng Giêng âm lịch các hoạt động hội hè như: bóng chuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia. Nhà hát dân ca Nghệ An cũng tham gia biểu diễn trích đoạn "Loan - Vải chia tay" phục vụ bà con vào đêm 14 âm lịch tại sân mộ Vua Mai. Chiều 15 âm lịch, lễ tạ diễn ra cùng lúc tại 3 di tích - kết thúc tốt đẹp một chuỗi các hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội đền Vua Mai 2009.
Chia tay, ông Trần Đình Hường, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn thay mặt bà con Nam Đàn nói lời giã bạn cùng du khách: "Tổ chức lễ hội đền Vua Mai 2009 là để tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng với các tướng lĩnh của ông đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho nhân dân nhất là thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của cha ông, tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu mến quê hương xứ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tầng lớp nhân dân, gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua đó quảng bá, giới thiệu cụm di tích Vua Mai để thu hút các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua các di tích đền, miếu mộ Vua Mai".