(TITC) – Thực tiễn phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm qua cho thấy phát triển sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu điểm đến là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Năm 2015, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch xây dựng Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Ngày 26/1/2016, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã có buổi báo cáo lãnh đạo Tổng cục Du lịch về Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia du lịch, đại diện các địa phương và doanh nghiệp du lịch tại Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tổ chức ngày 22/12/2015, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã chỉnh sửa đề án và báo cáo lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Theo đó, đề án chiến lược bao gồm các nội dung chính: trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch của Việt Nam, xác định quan điểm và mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch; đưa ra định hướng chung và cụ thể phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam; đồng thời chiến lược cũng đề ra lộ trình và kế hoạch hành động phát triển sản phẩm du lịch trong giai đoạn 2016-2030.
Đề án đưa ra định hướng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực (bao gồm du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch đô thị); tạo sự độc đáo, khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa trên hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ của 7 vùng (vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long).
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tích cực góp ý nhằm hoàn thiện chiến lược, trong đó nhấn mạnh các nội dung: sản phẩm du lịch gắn liền với thị trường, do đó cần xác định thị trường mục tiêu và xây dựng sản phẩm phù hợp với thị trường; xây dựng dòng sản phẩm du lịch nổi trội mang thương hiệu du lịch quốc gia và tạo điểm nhấn trong giai đoạn nhất định; kế thừa và phù hợp với Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020…
|
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống sản phẩm đồng bộ, chất lượng và cần định vị sản phẩm điểm đến quốc gia dựa trên điểm độc đáo, khác biệt tạo nên lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đặc biệt, chiến lược cần chỉ rõ nhóm giải pháp quan trọng nhất, mang tính đột phá để ưu tiên tập trung nguồn lực. Ví dụ, hướng tới đột phá từ doanh nghiệp có thể chú trọng chính sách thu hút đầu tư bởi vì doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong phát triển sản phẩm du lịch và trong những năm qua, các nhà đầu tư chiến lược đã dần khẳng định vai trò, sự đóng góp cho phát triển du lịch Việt Nam; quản lý chất lượng sản phẩm cũng là một giải pháp rất quan trọng. Cùng với đó, chiến lược cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có trách nhiệm của các địa phương, cơ quan quản lý điểm đến và doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trong thời gian tới và tổ chức sự kiện công bố, phổ biến chiến lược này trong thời gian tới.
Tin: Hồng Nhung; ảnh: Thu Thủy