(TITC) - Tại Việt Nam, cách đây hơn một thế kỷ, khi cáng, kiệu không còn là phương tiện đi lại thông dụng, người Việt bắt đầu chuyển sang dùng xe kéo. Rồi xe kéo được thay thế bằng những chiếc xe đạp du nhập từ phương Tây. Tiếp đó, những chiếc xích lô xuất hiện và trở thành phương tiện lưu thông phổ biến của người Việt.
Xe kéo ra đời vào thời Minh Trị (1868) ở Nhật Bản. Năm 1883, xe kéo xuất hiện lần đầu ở Hà Nội, được dùng làm phương tiện đi lại cho một số quan chức cai trị. Sau đó, xe kéo được phát triển và dần trở thành phương tiện đi lại quen thuộc trên các đường phố Hà Nội và một số thành thị lớn của Việt Nam. Xe kéo xuất hiện tại Hà Nội chỉ 1 năm sau sự ra đời của chiếc xe hơi (ôtô) đầu tiên của nhân loại và 1 năm trước xe tramway kéo bằng ngựa.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, những xe đạp được nhập từ Saint-Étienne (Pháp) lần đầu tiên xuất hiện tại trung tâm thành phố Hà Nội. Đây là một phương tiện di chuyển đơn giản, không cần người hoặc ngựa kéo, chỉ cần ngồi trên yên xe, chân đạp, hai tay cầm tay lái để giữ thăng bằng là xe chạy khá dễ dàng và ít mất sức. Từ đó, xe đạp trở thành phương tiện thông dụng phục vụ nhu cầu đi lại của đông đảo người dân Việt.
Năm 1936, xe xích lô xuất hiện ở Việt Nam. Hành khách đi xích lô cảm thấy an toàn, dễ chịu, không phải chịu mưa, nắng như đi xe đạp vì giống như xe kéo, xích lô có mái che.
Ngày nay, các phương tiện giao thông hiện đại như ôtô, xe máy dần thay thế các phương tiện thô sơ. Tuy nhiên, xe đạp và xích lô vẫn xuất hiện trên đường phố Việt Nam. Những chiếc xích lô ngày nay được cải tiến, trang trí đẹp mắt để phục vụ du lịch và đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của Việt Nam.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về quá trình hình thành và phát triển của các phương tiện giao thông đường bộ thô sơ ở nước ta, Nhà xuất bản Thông tấn đã sưu tầm và lựa chọn những bức ảnh đẹp, sinh động và chân thực để giới thiệu trong cuốn sách ảnh «Xe kéo, xe đạp, xích lô ở Việt Nam».
Thông tin liên hệ :
Nhà xuất bản Thông Tấn
79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Tel : (024) 3933 2279 – Fax: (024) 3933 2276
Email: nhaxuatbanthongtan@vnanet.vn
Website: www.sachthongtan.vn