Làm“chúa” ở... phố cổ
Cập nhật: 25/02/2007
Đô thị cổ Hội An vừa có thêm một địa chỉ văn hóa khá đặc sắc và ấn tượng khi du khách có thể tự mình ướm thử những bộ trang phục truyền thống từ vua chúa đến dân dã của người Việt, thưởng thức ẩm thực cung đình, xem múa rối nước... Và đặc biệt, du khách có thể vào vai... “Chúa” của phủ Thăng Hoa xứ Quảng.

Tuần du cùng Chúa Nguyễn

Con đường Nguyễn Thái Học (thị xã Hội An, Quảng Nam) chật người, cả du khách lẫn người dân đều ngạc nhiên khi nhìn thấy một đoàn kiệu rước rình rang cờ xí, binh đao... ngược hướng Chùa Cầu. Lính thú cầm loa hô vang: “Chúa Nguyễn tuần du về phủ Thăng Hoa. Loa! Loa! Loa!“. Phía trước, một quan văn vận áo dài xanh, chân mang hia, mũ mão tung tẩy, khệ nệ ôm tráp đựng ấn chỉ. Mười hai lính tốt đỏ cầm cờ xí và 8 loại binh khí uy nghi bước đi trong tiếng nhạc trầm hùng của dàn bát âm và lọng đỏ, lọng vàng rực rỡ một góc trời.

Gương mặt hớn hở, “Chúa” ngồi trên kiệu do 12 lính tốt xanh khênh, mắt ngời sáng như bằng lòng với mùa vụ bội thu, cư dân thương cảng được mùa gió đông giong buồm vượt sóng. Một phút dáo dác, cả phố ùa theo đoàn kiệu để biết thực hư.

Lúc an tọa trên ngai, người ta mới nhận ra “Chúa” và tùy tùng 5 người đều... đến từ Ô-xtrây-li-a. “Chúa” tên thật là Thomas Scoh, chừng 20 tuổi, không giấu được vẻ hạnh phúc: “Thật tuyệt, tôi đã được “làm chúa” ngay tại Hội An. Sau nhiều ngày chờ đợi không hoang phí, gia đình tôi đã được sống trong những giây phút tuyệt vời. Cám ơn các bạn!”.

Tận hưởng văn hóa cung đình

Không chỉ tái hiện cảnh rước chúa đi tuần, du khách còn có thể vận trang phục cung đình, ngồi chụp ảnh trên ngai vàng. Ông Đinh Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch và Dịch vụ Ngọc Ánh - đơn vị tổ chức, cho biết: “Sau nhiều năm sưu tầm trang phục cổ ở Huế và với sự tư vấn của nghệ nhân Việt kiều Trịnh Bách, chúng tôi đã tự may thêu hầu hết các bộ trang phục, đặc biệt là trang phục của Chúa Nguyễn ở đàng Trong với bộ rồng 4 móng, vạt dưới thêu quấn thủy, nghề thêu gọi là thủy ba”.

Thăng Hoa phủ có 30 bộ trang phục vua chúa, hơn 100 bộ trang phục dân dã của người Việt và hàng chục tráp, tủ, sập gụ cổ có niên đại hơn 100 năm. Từ các bộ long bào, phụng bào, hoàng bào, xa bào, xa két của công chúa, hoàng thái tử, vua, thái hậu đến trang phục của quan văn, quan võ, binh lính, lọng cờ, tàm, quạt. Các bộ trang phục Việt cổ có áo bà ba, tứ thân, áo dài sa, áo the, vạt hò đến áo tay thụng. Với 1 kiệu khênh, võng đào và ngựa trắng, du khách còn có thể tham gia lễ vinh quy bái tổ với kiệu trạng nguyên đi trước, võng nàng theo sau cùng sắc phong và đoàn bô lão đón mừng.

Khi tận mắt chứng kiến đoàn rước, ông Diệp Gia Sùng, một người Hoa ở đường Nguyễn Thái Học nói: “Rất ấn tượng, tái hiện như thế trong không gian phố cổ là một cách làm hay. Tuy còn thiếu một số chi tiết cần thiết của đoàn rước nhưng cũng dễ nhận ra những sinh hoạt văn hóa trong đời sống cung đình xưa”.

Sau tất cả các hoạt động này, những món ăn đặc trưng của ẩm thực cung đình như phụng chầu, thuyền rồng, đêm giã hội... sẽ được các đầu bếp của kinh đô Huế trực tiếp chế biến, phục vụ du khách.

Một địa chỉ văn hóa

Trong khoảng 30 phút, nghệ nhân 84 tuổi Phạm Văn Bể đến từ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có thể trình diễn 10 kịch bản múa rối nước dân gian từ các trò chơi, cày bừa, lân hí cầu, rước Phật, đánh vật đến hát giao duyên. Nghệ nhân cho biết: “Gần cuối đời, tôi không ngờ còn gieo được một hạt mầm múa rối nước ở phố cổ”.

Ông Đinh Ngọc Ánh mời 18 nghệ nhân làng thêu truyền thống Đình Tổ - Hà Tây về Hội An. Trong ngôi nhà cổ rộng 160m² này, du khách có thể tự tay cầm những đường kim mũi chỉ thêu nên những bộ trang phục cổ và tìm về những tri thức dân gian của một nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Ông ánh nói: “Dù Thăng Hoa phủ chỉ tái hiện một vài hình ảnh xưa cũ, nhưng tôi nghĩ, đời sống sinh hoạt của cha ông vẫn có sức sống mới trong sự phát triển du lịch hiện nay. Tôi không mong nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa mà chỉ ước sao sẽ là điểm đến cho những ai yêu quý truyền thống, yêu quý phố cổ”.

Về Hội An trong mùa lễ hội đầu Xuân Đinh Hợi, bạn sẽ có dịp tham gia những đoàn rước chúa đi tuần và vinh quy bái tổ ngay trên đường phố cổ.
Báo Quảng Nam