Bản Vi thuộc xã vùng cao Bắc Sơn (Quỳ Hợp - Nghệ An) là bản đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái được công nhận bản văn hoá vào năm 2001. Đến năm 2003, bản Vi lại vinh dự được Bộ Văn hóa Thông Tin chọn làm điểm xây dựng bản văn hóa thuần dân tộc Thái.
Nhà sàn bản Vi Bắc Sơn - nơi duy trì được nét văn hóa thuần Thái
Vào một buổi chiều muộn cuối tháng 9, đặt chân đến bản Vi, chúng tôi như lạc vào “xứ sở” của những nếp nhà sàn. Cả bản Vi có đến hơn 60 hộ dân là cũng từng ấy nhà sàn. Mối lo “bản vắng nhà sàn” dường như không tồn tại khi người dân ở đây đều ý thức rằng việc giữ gìn truyền thống cha ông là việc của chính mình. “Nhà sàn là nơi gắn bó với tôi từ thủa lọt lòng, nó đã chứng kiến bao nhiêu biến thiên trong cuộc đời tôi, với những thành viên trong gia đình tôi, thế nên tôi vẫn nói với con cháu của mình phải luôn luôn giữ gìn nó”, ông Lô Văn Ngân cho biết.
Để giữ gìn vốn văn hóa xưa, từ tiếng nói, chữ viết, các phong tục tập quán ma chay, cưới hỏi, mừng nhà mới, mừng mùa thu hoạch mới… Câu lạc bộ Văn hoá dân gian dân tộc Thái của Bản Vi đã được ra đời. Các nghệ nhân của bản của mường cùng say sưa sưu tầm “vốn văn hóa xưa” - nét bản sắc văn hoá của ông cha để truyền lại cho lớp trẻ hôm nay.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: “Đây là bản thuần dân tộc Thái, xã đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng làng văn hoá, vận động bà con giữ vững các tiêu chí đề ra. Đặc biệt, cho ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Thái, mục đích để bảo tồn, gìn giữ các bản sắc văn hoá dân tộc Thái như hát suối, lăm, nhuôn, đánh cồng chiêng, lễ mừng lúa mới, tiếng Thái, chữ Thái, trang phục Thái.... Chúng tôi đã kết hợp được văn hoá hiện đại với văn hoá cổ truyền dân tộc để xây dựng lối sống văn hoá, nếp sống văn minh”.
Với những kết quả đã đạt được, gần 15 năm liên tục, bản Vi luôn giữ vững danh hiệu bản văn hóa thuần Thái tiêu biểu của huyện Quỳ Hợp và của tỉnh Nghệ An. Thành công từ mô hình này đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp xây dựng thành công huyện điểm văn hóa miền núi dân tộc và thiểu số khu vực Bắc Trung bộ, đồng thời thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ kết quả của bản Vi, huyện Quỳ Hợp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xây dựng Quỳ Hợp thành huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số của cả nước. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Huyện đã xác định mục tiêu, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng huyện Quỳ Hợp có đời sống kinh tế - xã hội ổn định, phát triển; giàu bản sắc văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số, đưa Quỳ Hợp trở thành huyện miền núi khá nhất của tỉnh Nghệ An".
Măng rừng là nguồn thu nhập thêm của bà con nơi đây
Đặc biệt, huyện Quỳ Hợp tiếp tục thực hiện tốt phong trào đưa dân ca vào trường học, đặc biệt là dân ca Thái và Thổ. Duy trì và nhân rộng các mô hình CLB văn hoá dân gian để bảo tồn, trao truyền và phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc; thành lập và tổ chức hoạt động tốt câu lạc bộ hát và dạy hát dân ca Thái, Thổ cấp huyện, câu lạc bộ cồng, chiêng xã Châu Thái các hội viên là các nghệ nhân người dân tộc Thái, Thổ trong huyện. Bảo tồn trang phục, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái, Thổ, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, đan lát…
Cùng với những giá trị văn hoá vật thể, những giá trị văn hoá phi vật thể ở Quỳ Hợp được đặc biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ và đang thực sự “sống” giữa cộng đồng. Cứ mỗi độ xuân về hay những ngày hội của bản làng, của dân tộc, bà con khắp các bản làng lại hội tụ đua tài ở các môn thể thao truyền thống như ném còn, kéo co, đi cà kheo, chơi đu, bắn nỏ, đẩy gậy... hay như những làn điệu dân ca như câu xuối, câu lăm, tiếng khèn, tiếng pí (dân tộc Thái); dạ ời, tập tình tập tang, đu đu điềng điềng (dân tộc Thổ) cùng hoà ngân vang vọng núi rừng làm đời sống tinh thần của người dân nơi đây thêm phong phú.
Hoàng Trinh