Từ ngày 13 - 14/11, Lễ hội Oóc Om Boóc– Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2016 sẽ diễn ra tại thành phố Sóc Trăng với nhiều hoạt động đặc sắc của đồng bào Khmer như: Lễ cúng trăng, hội thi thả đèn nước, giải đua ghe ngo và hội chợ triển lãm thương mại.
Ông Lý Bình Cang, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, phó Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã sẵn sàng, lễ hội Oóc Om Boóc– Đua ghe ngo năm nay có nhiều điểm mới về hoạt động, công tác tập luyện và cơ cấu giải thưởng...
Ngoài khán đài chính với 2.000 chỗ ngồi, tỉnh Sóc Trăng xây dựng thêm một khán đài phụ, đối diện khán đài chính trên sông Maspéro với 300 chỗ ngồi. Khán đài này nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và du khách đến xem lễ hội, qua đó mong muốn quảng bá về lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer nói riêng và tiềm năng du lịch, kinh tế, văn hóa của tỉnh Sóc Trăng nói chung.
Đua ghe ngo là tâm điểm của Lễ hội Oóc Om Boóc. Ảnh: Vũ Hưng
Năm nay, công tác chuẩn bị diễn ra rất sớm, nhiều ghe tập luyện trên 2 tháng, thậm chí là từ 2 - 3 tháng. Nhất là việc xuất hiện của dàn vận động viên trẻ, mới, đang hăng say tập luyện sẽ hứa hẹn một lễ hội sôi nổi, nhiều yếu tố bất ngờ về chiến thắng chung cuộc. Lễ hội Oóc Om Boóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng chào đón 50 chiếc ghe trong tỉnh và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long... tham gia. Để tạo động lực cho các đội ghe thi đấu và mong muốn phát triển lễ hội hơn nữa, Ban tổ chức đã nâng mức giải thưởng cao gấp đôi so với mọi năm. Theo đó, giải nhất, nhì, ba, tư lần lượt nhận giải thưởng là 100 – 80 – 60 - 50 triệu đồng.
Chùa Pô - Pús Tức ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú đã 115 năm tuổi, năm nay là lần đầu tiên chùa đóng chiếc ghe ngo để tham gia lễ hội. Có ghe mới, được tham gia lễ hội nên không khí tập luyện ở đội ghe ngo chùa Pô - Pús Tức luôn hăng say, sôi nổi. Bất kể thời tiết những ngày gần đây mưa nhiều và kéo dài, chiều nào từ 17 giờ đến hơn 18 giờ, các vận động viên cũng tập trung đông đủ và hăng say tập luyện.
Các đội đua được tập luyện kỹ để tranh tài. Ảnh: Vũ Hưng
Còn tại chùa Chrui Tưm Chắs, phường 10, thành phố Sóc Trăng, sau 1,5 tháng tập luyện trên bờ, đội đã đưa ghe ngo xuống nước tập để quen tay bơi. Năm 2015, ghe ngo của chùa giành giải tư chung cuộc. Năm 2016, đội càng quyết tâm tập luyện để cọ sát và giành giải cao hơn nữa.
Là tỉnh có số lượng ghe ngo đông nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài mong muốn giao lưu, học hỏi với ghe ngo các tỉnh bạn, ghe ngo Sóc Trăng đều hy vọng sẽ giành giải cao nhất tại lễ hội năm nay. Một phần cũng bởi vì phong trào đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã phát triển mạnh nhất và lâu đời nhất trên mảnh đất Tây Nam Bộ, từ lâu đã trở thành môn thể thao hấp dẫn của 3 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Sóc Trăng đã lập 4 tiểu ban về Lễ hội Oóc Om Boóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng năm 2016. Đó là tiểu ban lễ hội dân gian và đua ghe ngo, tiểu ban an ninh trật tự và y tế, tiểu ban tuyên truyền vận động... Để lễ hội được diễn ra an toàn, tiết kiệm, vui tươi và đoàn kết. Ba tổ điều hành chuyên môn, trọng tài và giám sát, tiếp tân cũng đã được chọn lọc kỹ để đảm bảo các khâu được diễn ta suôn sẻ, các giải đấu mang tính trung thực, hữu nghị và chất lượng cao; để lễ hội xứng đáng là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Hoài Thu