Phố Ông Đồ, nét đẹp văn hóa đất kinh kỳ
Cập nhật: 27/01/2017
Sự hiện hữu của ông đồ góp thêm nét đẹp truyền thống ấm cúng, trang trọng cho ngày Tết và nét chữ.

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa, rồng bay.

Trích “Ông đồ” - Vũ Đình Liên

Khai mạc Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 - Ảnh: Hoàng Nguyên

Đông tàn, xuân đến, lòng người lại nao nức đón chờ và hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Hình ảnh ông đồ già trong chiếc áo the, khăn xếp và guốc mộc cũ kỹ đã như một thực chứng hiển nhiên cho những mùa xuân cổ điển. Hoa đào nở, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên.

Ở Việt Nam thuở xưa, vào mỗi dịp Xuân về, người dân hay đến nhà những "Thầy Ðồ" hay những người "hay chữ" để xin chữ về treo như một bức tranh, vừa là món đồ trang trí nhưng cũng vừa là món ăn tinh thần. Thầy đồ hay người hay chữ cho chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính cách chúc tụng hay giáo dục, nét chữ thường được khen là đẹp như rồng bay phượng múa.

Theo các bậc khoa giáp thời xưa, việc chọn một câu văn một bài thơ để viết lên trang giấy là việc cần hết sức cẩn trọng. Vì ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, năng khiếu viết chữ, nội dung một bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết.

Gần 100 ông đồ tham gia Hội chữ Xuân 2017 - Ảnh: Hoàng Nguyên

Năm nay, phố ông đồ được khoác cái tên mang hương vị Tết “Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017”, diễn ra từ ngày 21/1 đến 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 âm lịch) tại khu vực hồ Văn (Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội).

Theo kế hoạch của Sở Văn hóa- Thể thao Hà Nội, Ban tổ chức không bố trí lều chõng của các ông đồ xung quanh hồ Văn như năm trước mà đưa ra khu vực sân trước hồ Văn để tạo sự tập trung. Cơ sở vật chất cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng vợi sự đồng bộ hơn. Hội chữ Xuân năm nay có sự tham gia của 77 ông đồ viết chữ thư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu xin chữ đầu năm của người dân và du khách Thủ đô.

Đông đảo du khách tham gia Hội chữ Xuân trong ngày đầu tiên - Ảnh: Hoàng Nguyên

Bắt đầu khai xuân với bút nghiên, mực tàu giấy đỏ cùng với sự tuần hoàn của hoa đào…, tất cả hòa quyện tạo nên một nét riêng thiêng liêng của không gian văn hoá dân tộc khi Tết đến, xuân về. Sự hiện hữu của ông đồ góp thêm nét đẹp truyền thống ấm cúng, trang trọng cho ngày Tết và nét chữ.

Dường như năm nay những con phố Hà Nội như vắng hơn, bớt nhộn nhịp hơn bởi lý do kinh tế, điều đó khiến những giá trị tinh thần càng trở nên xa xỉ bởi nỗi lo một cái Tết đủ đầy trở thành mối quan tâm trước nhất. Tuy vậy, Phố Ông Đồ khai trương vẫn làm nên một nét đẹp đặc trưng của đất Hà Thành. Dạo qua Phố Ông Đồ khiến cho ta như trở về kỷ niệm xa xưa, bất chợt vọng về tiếng bà ru cùng tiếng đua nôi kẽo kẹt:

Chẳng ham ruộng cả ao liền

Chỉ ham cái bút, cái nghiên anh đồ

                                             (Ca dao)

Dù thế nào thì Phố Ông Đồ vẫn tồn tại như một nét đẹp văn hóa của đất kinh kỳ./.

Thủy Bích

Tổ Quốc