Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Năm nay, lễ hội lần thứ sáu sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11-3 cùng Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ tư.
Đây là các sự kiện nhằm quảng bá, phát triển du lịch, kinh tế - xã hội Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên, chào mừng kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Không những góp phần khẳng định vị thế quan trọng của thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk, lễ hội còn giới thiệu với du khách không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển”. Lễ hội khai mạc tối 10-3 và bế mạc ngày 13-3, được tường thuật trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động: Hội chợ - triển lãm chuyên ngành cà-phê, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ tư, hội nghị - hội thảo về cà-phê; Lễ hội đường phố; Hội thi nhà nông đua tài; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc…
Các hoạt động này tập trung quảng bá thương hiệu cà-phê của vùng cao nguyên với du khách trong nước và nước ngoài. Việc tổ chức lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nhất là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào năm 2005, sau đó được ghi danh vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2008.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Điểm mới của lễ hội lần này thể hiện ở tên gọi, bảo đảm sự hội tụ tinh hoa, phát huy bản sắc, liên kết phát triển với mười chương trình xoay quanh tiêu điểm này, từ thương mại, văn hóa cho đến đầu tư để góp phần từng bước tạo đà phát triển cho Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Lễ hội sẽ mang đến cho mọi người cảm nhận mới lạ về vùng đất cao nguyên hùng vĩ với truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng, độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Các chương trình chính trong lễ hội là: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà-phê trưng bày hình ảnh những vườn cà-phê, những sản phẩm cà-phê do người nông dân làm ra; Lễ hội đường phố rực rỡ sắc màu với những tiết mục nghệ thuật dân gian dân tộc; Chung kết hội thi Nhà nông đua tài với khoảng 2.000 nông dân từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia; Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc; Công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản”, các tua du lịch gắn cà-phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng; Khu phố ẩm thực Tây Nguyên; Thưởng thức cà-phê miễn phí tại các tuyến phố… Tất cả đều nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và mời gọi những dự án đầu tư, thương mại, du lịch trong đó thương hiệu cà-phê có giá trị đặc biệt.
Điểm nhấn của lễ hội là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Trong đó có đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên và tái hiện không gian trình diễn của hơn 400 diễn viên sẽ diễn ra tại nhiều điểm của thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà-phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; Trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên; Chương trình đêm hội vào mùa…
Các hoạt động trong lễ hội và liên hoan có vai trò cổ vũ và gắn kết chặt chẽ với Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ tư. Hội nghị đã trở thành sự kiện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và quảng bá du lịch, tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, thực hiện an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên trong những năm tới.