Phát triển du lịch theo hướng xây dựng Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”
Cập nhật: 01/03/2017
(TITC) – Đây là định hướng được đặt ra trong Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 23/2/2017 về phát triển Du lịch thành phố Hà Nội năm 2017 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu phải đảm bảo các hoạt động du lịch có tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả khi triển khai thực hiện vì mục tiêu xây dựng Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.  

Phấn đấu trong năm 2017, số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 23,61 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2016 bao gồm: 4,3 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, có 3.071.500 lượt khách quốc tế lưu trú, tăng 6% so với năm 2016; 19,31 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,4% so với năm 2016. Số khách sạn được công nhận hàng từ 3-5 sao phấn đấu đạt 80 khách sạn, tăng 25% so với năm trước, số khách sạn được công nhận hạng từ 1-2 sao đạt 600 khách sạn, tăng hơn 25% so với năm trước; Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt từ 58%-60%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 66.611 tỷ đồng, tăng 8% so năm 2016. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch đạt 65%.

Để thực hiện được những mục tiêu đó, Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường sẽ tập trung tổ chức quán triệt thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch của thành phố về phát triển du lịch Thủ đô; Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá; Phối hợp và giám sát Mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội; Hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về du lịch, lập dự án số hóa cơ sở dữ liệu về du lịch trên địa bàn; Thiết kế, sản xuất các sản phẩm quà tặng du lịch; Tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch trên địa bàn, trong nước và quốc tế; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm và thị trường khách mới…

Thứ hai, Rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội; Lập và triển khai quy hoạch phát triển khu du lịch Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch cấp quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; làng dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Thứ ba, Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, trong đó, tập trung phối hợp nâng cấp chất lượng các sản phẩm du lịch đưa vào khai thác phát triển du lịch tại: khu vực trung tâm chính trị Ba Đình (gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách thảo) gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; khu vực di tích Đền Hai Bà Trưng; khu du lịch núi Sóc, hồ Đồng Quan; khu vực Chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai; khu vực Ba Vì, làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống và một số làng nghề tiêu biểu, điểm tham quan du lịch khác. Cùng với đó xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối Hà Nội với các địa phương, khu vực và thế giới…

Thứ tư, Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.

Thứ năm, Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thông qua liên kết với các trường đào tạo về du lịch để lựa chọn, bồi dưỡng một số sinh viên tiêu biểu tham gia đội ngũ hỗ trợ du khách tại các khu, điểm du lịch, sự kiện lớn; đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng du lịch cho lực lượng lao động đang làm việc tại các cơ sở…

Thứ sáu, Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch thông qua xây dựng dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành để phát triển du lịch, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch; Tiến hành xây dựng và phân tích bộ dữ liệu, số liệu thống kê và các chỉ tiêu về du lịch, chuẩn hóa bài thuyết minh ở các điểm du lịch; Xây dựng và ban hành quy định về ứng xử văn minh khi tham gia hoạt động du lịch ở Hà Nội; Tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia phát triển du lịch; Tăng cường công tác hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong nước và các quốc gia có tiềm năng hợp tác phát triển du lịch…

Hương Lê