(TITC) – Ninh Bình là một tỉnh nằm ở miền Bắc, thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận gió hòa, cảnh quan thiên nhiên sơn thủy, hữu tình. Tất cả đã tạo nên một quần thể sinh thái độc đáo, đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh…
Đại lễ cầu siêu tại Lễ hội Hoa Lư 2016
Du lịch tâm linh là một sản phẩm du lịch tiêu biểu của Ninh Bình. Với giá trị lịch sử lâu đời, nhiều đền chùa đẹp cùng chính sách thu hút đầu tư đã góp phần đưa du lịch tâm linh Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, hàng năm thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái, thưởng ngoạn.
Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt, là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An được UNESCO công nhận. Trong quá khứ, Hoa Lư là kinh đô của ba triều đại Đinh, Lê (Tiền Lê), Lý, gắn liền với những chiến công hiển hách và những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn…
Lễ hội Hoa Lư là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất của tỉnh Ninh Bình, được tổ chức thường niên nhằm kỷ niệm sự kiện Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tri ân các vị tiền bối đã có công với dân với nước.
Năm nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 1049 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế và kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình. Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Hoa Lư 2017 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 5-7/4 (ngày 9-11/3 năm Đinh Dậu) với 2 phần Lễ và Hội, hứa hẹn sẽ đem đến cho khách tham quan nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và đặc trưng vùng đất cố đô.
Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm, với các nghi lễ truyền thống, tôn vinh, tri ân công đức các bậc Đế vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu được thế hiện qua các nghi thức: Lễ mở cửa đền, dâng hương, rước nước, rước kiệu, cầu siêu và các lễ hội hoa đăng, lễ tạ...
Phần Hội gồm các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian như: trưng bày, triển lãm, cờ người, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ; biểu diễn trống hội và cồng chiêng, múa rối nước; tổ chức các giải thể thao bóng chuyền, giải vật dân tộc…
Các hoạt động này sẽ góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Để lễ hội diễn ra được thành công tốt đẹp, tỉnh Ninh Bình cùng các đơn vị liên quan đang tích cực hoàn thiện công tác chuẩn bị, trong đó tập trung vào cải tạo, chỉnh trang khu vực diễn ra lễ hội; các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, đảm bảo môi trường lễ hội an toàn, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động sẽ được tổ chức trang trọng, gìn giữ nét đẹp truyền thống của lễ hội, đồng thời tạo dấu ấn đặc sắc, điểm nhấn thu hút khách thập phương đến với lễ hội.
Thu Thủy