Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival nghề truyền thống Huế 2009, đêm 11/6/2009, tại sân Đại triều Điện Thái Hòa - Đại Nội Huế đã diến ra chương trình Vẻ Đẹp Việt - Tôn vinh 5 nghệ nhân tiêu biểu của nền cổ nhạc Việt Nam.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn trực tiếp của 5 nghệ nhân - những người được coi là những cây cổ thụ của âm nhạc cổ truyền còn giữ được những làn điệu và kỹ thuật tinh hoa gần như đã thất truyền.
Nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức (79 tuổi), ca nương cuối cùng còn sót lại của giáo phường Ca trù Khâm Thiên xưa, từ Hà Nội vào Huế để tham gia đêm Vẻ Đẹp Việt. Cụ nổi tiếng vì ngón phách điêu luyện, đã được một vị quan viên lâu năm xưng tụng là “tiếng phách trạng nguyên”. Trong đêm diễn, Nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức đã ca Tỳ bà hành và ngâm bản Dâng hương. Điệu múa thờ Dâng Hương theo lối cổ xưa cũng sẽ ra mắt công chúng sau một thời gian được nhóm ca trù Tràng An phục dựng.
Hai nghệ nhân Nhã nhạc tham gia chương trình là cụ Trần Kích (86 tuổi), chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, gồm kèn đại, kèn lỡ, nhị, nguyệt, tỳ bà, bầu, sáo… cho cả Đại nhạc, Tiểu nhạc, nhạc Phật, và nhạc đệm cho ca Huế và cụ Lữ Hữu Thi (100 tuổi), là người cao tuổi nhất trong trong số các nghệ nhân còn lại của dàn nhạc cung đình triều Nguyễn. Trong nhiều loại nhạc cụ mà cụ chơi thuần thục: nhị, tam, nguyệt, tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản… nổi bật nhất là hai loại đàn nhị và kèn bóp.
Hai nghệ nhân Ca Huế là cụ Minh Mẫn (84 tuổi), là bậc thầy trong làng ca Huế hiện giờ. Cụ là một trong những người hiếm hoi hiện nay có thể ca cổ bản cả lối sắp và lối dựng, lời cổ của điệu Long ngâm, cùng một số điệu khác như Nam xuân, Ngũ đối thượng, Quả phụ chi và cụ Thanh Hương (85 tuổi), thuộc thế hệ kỳ cựu vẫn bảo lưu được những kỹ thuật cổ điển của Ca Huế trong giọng hát của mình cùng những làn điệu Ca Huế cổ. Công chúng sẽ có một sự đối sánh thú vị khi cùng lúc được thưởng thức hai bản Long Ngâm của Nhã nhạc và Ca Huế.