Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
Các hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trụ sở tại phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, có tên tiếng Anh là Vietnam Press Museum. Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: Sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các di sản văn hóa phản ánh tiến trình hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam; nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Quyết định số 1118/QĐ-TTg cũng nêu rõ ngân sách nhà nước bảo đảm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trên. Ngoài ra kinh phí hoạt động của Bảo tàng còn được dựa trên các hoạt động của Bảo tàng và các nguồn thu khác. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (28/7/2017).
Sau khi đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Chính phủ phê duyệt tháng 8/2014, trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực sưu tầm, triển khai 6 cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều hiện vật, tư liệu quý giá gắn liền với các nhà báo, gia đình nhà báo như: máy ảnh, máy quay, đài, các tờ báo của các cơ quan báo chí qua nhiều thời kỳ… cùng nhiều hiện vật cá nhân của các nhà báo lão thành đã được hiến tặng cho bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Đến thời điểm này, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tiếp nhận được trên 13 nghìn tài liệu, hiện vật.
Quang Lộc