Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, sẽ miễn vé tham quan cho khách du lịch là người Việt Nam vào các điểm di tích Huế trong ngày Quốc khánh 2/9.
Khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Dịp này, Trung tâm tăng cường các hoạt động tạo ấn tượng cho du khách như, lễ Đổi gác (tái hiện lại phiên gác của cấm vệ quân cung đình xưa), trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc… cùng các chương trình âm sắc hoàng cung, tái hiện các trò chơi cung đình.
Ngoài ra, từ 1/9, người dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ được giảm 50% giá vé khi vào tham quan các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tăng cường quảng bá và khai thác tour du lịch Đại Nội Huế về đêm đón khách du lịch.
Tuyến tham quan Hoàng cung Huế về đêm gồm Ngọ Môn-điện Thái Hòa-Thế Miếu-cung Diên Thọ-cung Trường Sanh-lầu Tứ Phương Vô Sự; đồng thời, kết hợp với trục phía đông Duyệt Thị Đường-khu Phủ Nội Vụ.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nhiều hoạt động thu hút du khách trong đêm Hoàng cung tại Đại Nội Huế như chương trình: Cảnh "đám cưới trong Hoàng cung" và trò chơi "Xăm hường" hàng ngày để thu hút khách tham quan.
Đặc biệt, Nhà hát Duyệt Thị Đường, một địa điểm nằm trong Hoàng cung Huế vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa, nay được khôi phục lại và tổ chức 4 suất diễn/ngày phục vụ khách tham quan.
Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, đến nay, Nhà hát Duyệt Thị Đường có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa cung đình đặc sắc được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến với công chúng, khách du khách.
Hoàng cung Huế (Đại Nội) ở tỉnh Thừa Thiên-Huế được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam xếp là một trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017.
Đây cũng là lần thứ 2 trong hai năm 2016, 2017, điểm tham quan Hoàng cung Huế vinh dự nhận giải thưởng này.
Nổi bật, Hoàng cung Huế đang thu hút du khách với tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" gồm quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Ngoài ra, du khách và nhân dân địa phương còn được tham quan các triển lãm, trưng bày và thưởng thức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình đang được thực hiện tại một số điểm di tích Huế.
Các hoạt động này nhằm tạo thêm dấu ấn, sự duyên dáng cho du lịch Huế, đồng thời tăng sức hút của quần thể di tích Cố đô Huế, đưa di sản văn hóa đến gần hơn với cộng đồng và du khách.
Đến cuối tháng 8, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón đạt 2,2 triệu lượt khách du lịch; trong đó hơn 1,1 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 26%; doanh thu từ vé tham quan và các dịch vụ trong di tích đạt 222 tỷ đồng, bằng số thu cả năm 2016./.