Khám phá “Vương quốc Pơmu”
Cập nhật: 05/09/2017
Trung ương Hội sinh vật cảnh Việt Nam vừa công nhận 725 cây Pơmu cổ thụ ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) là "Cây di sản Việt Nam" đánh dấu sự kỳ vĩ của "Vương quốc Pơmu" có một không hai ở Việt Nam và trên thế giới. Điều đáng nói, trước vấn nạn phá rừng rầm rộ như hiện nay, việc bảo vệ và tồn tại một khu rừng Pơmu quý giá, như một kỳ tích…

Bia công nhận 725 cây Pơ mu là Cây di sản

Kỳ vỹ rừng Pơmu cổ thụ

Sau khi có quyết định trên, huyện Tây Giang đã đầu tư một khu trung tâm với khoảng 10 nhà Gươl (nhà truyền thống của người Cơ Tu). Đứng ở khu trung tâm, hướng tầm mắt sang xung quanh, những thân cây Pơmu cao lớn, thẳng đứng, vững chắc tỏa bóng mát xanh… 

Theo số liệu điều tra, khảo sát của Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam), quần thể phân bố trên diện tích 240ha. Trong số 1.366 cây Pơmu đếm được, hiện có 725 cây có chu vi từ 2,4 m trở lên. Chu vi cây được đo tại vị trí cách mặt đất 1,3m; được đánh số từng cây và tọa độ GPS. 725 cây Pơmu được công nhận là cây di sản Việt Nam có độ tuổi trên 250 năm, cây lớn nhất trên 1.000 tuổi, có chu vi 7,52m.

Ông Bhriu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, được xem là người phát hiện và góp công bảo tồn "Vương quốc Pơmu" - cho biết, khu rừng Pơmu nằm ở độ cao 1.400m. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự kỳ vỹ của rừng Pơmu cổ thụ. Theo ông Bhriu Liếc, cây kỷ lục nhất ở khu rừng này là cây Voi với đường kín gần 4m, phải hơn 10 người ôm mới xuể. 

"Vương quốc Pơmu" đẹp như tranh

Theo ông Bhriu Liếc, để khám phá ra khu rừng Pơmu là một kỳ công. Việc tìm hiểu, khai phá con đường đi đến các cây Pơmu mất rất nhiều thời gian và công sức. Dù phát hiện ra những cây Pơmu cổ thụ trước năm 2000, nhưng đến năm 2011 mới bắt đầu triển khai các công tác "vinh danh" rừng cây cổ thụ này. Trước đó, công tác bảo vệ đã thực hiện nghiêm ngặt. Tại các thôn, bản, có từng tổ đội tham gia bảo vệ rừng nói chung, đặc biệt là bảo vệ cây Pơmu cổ thụ nói riêng. 

Để có con đường đến trung tâm rừng Pơmu hôm nay, huyện đã huy động nhân lực, vật lực trong nhiều năm liền. Còn nghiên cứu mở đường mòn khám phá rừng cây này thì lại càng vất vả hơn. Nhiều lần đoàn công tác của huyện dày công đi kiểm đếm, đánh số từng cây. Đoàn công tác của huyện đi trước, cột dây lanh để làm dấu, còn bà con đi sau phát quang. Khi thấy đường đi khó, gập ghềnh thì tiếp tục khám phá đường khác, hình thành con đường ngắn nhất, dễ đi nhất để mở "tour khám phá rừng Pơmu cổ thụ". 

Gìn giữ di sản Việt Nam

Theo ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - cây Pơmu có tên khoa học Fokienia hodginsii (Dunn), thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), tập trung ở địa bàn 2 xã Trhy và Axan (huyện Tây Giang). 

"Để xác định tuổi cây, các nhà khoa học phải sử dụng phương pháp khoan thân cây để xác định độ dày của từng năm sinh trưởng. Hiện, quần thể Pơmu vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự giúp đỡ của một số cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp chống sét cho quần thể cây Pơmu đặc biệt này" - ông Bhling Mia nói.

Già làng Clâu Blao (thôn Vòng, xã Trhy) - người được vinh danh mang tên "con đường Blao" vì đã có công khai phá con đường. Già Clâu Blao cho biết, cây Pơmu theo tiếng Cơ Tu là Hynghee. Đây là một loài cây quý và có tính chất linh thiêng nên đồng bào ai cũng muốn gìn giữ cây này như báu vật của làng. "Giờ rừng cây Pơmu cổ thụ được vinh danh, bà con vui lắm"- già Clâu Blao nói.

Ông Bhling Mia nhấn mạnh: Quần thể cây Pơmu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn. Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa, chính quyền và nhân dân địa phương lập hồ sơ đề nghị và được Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Quần thể cây gỗ quý Pơmu "độc nhất vô nhị" ở Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung và đã được công nhận là "Cây di sản".

Tác giả bên gốc cây Pơmu ngũ hổ với đường kính 3,5m, cao trên 20m

Được giao nhiệm vụ đội trưởng, bảo vệ khu rừng Pơmu cổ thụ, ông Hốih Mia - Bí thư Chi bộ Ga Ninh (xã A Xan) - chia sẻ: "Để bảo vệ được khu rừng như ngày hôm nay, hàng chục năm qua, từng tổ đội họp dân thường xuyên với quyết tâm không để một cây Pơmu bị đốn hạ, nếu mất một cây như mất một người thân vậy, nên mỗi người dân nơi đây đều là tai, mắt, thương Pơmu như thương chính người thân của mình".

Ông Hốih Mia đã đưa hàng chục đoàn đi khảo sát, ngày ngày theo sát Pơmu cổ thụ nên đặc điểm từng cây ông nắm rất rõ. "Người dân bảo vệ rừng nơi đây chỉ mới nhận hỗ trợ lương thực thôi nhưng không vì khó khăn mà họ không bảo vệ rừng, vì rừng chính là cuộc sống của bà con" - ông Hốih Mia tâm sự.

Theo ông Bhling Mia, trước mắt, trong khả năng của huyện, để có nguồn kinh phí hỗ trợ, mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho tổ đội bảo vệ rừng, việc làm đường để hình thành khu du lịch khám phá còn gặp muôn vàn khó khăn nên mong nhà nước, các tổ chức, cá nhân quan tâm, cùng chung tay với Tây Giang bảo vệ, bảo tồn khu rừng quý giá này. "Ước mong một khu du lịch sinh thái, tuor khám phá khu rừng Pơmu cổ thụ sớm thành hiện thực" - ông Bhling Mia chia sẻ.

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Ước mong của người dân huyện Tây Giang về lâu dài, nhà nước cần thành lập khu vực rừng Pơmu là khu bảo tồn thiên nhiên để công tác bảo tồn có giá trị bền vững hơn.

Xuân Hoài

baocongthuong.com.vn